Thủy ngân không tự phân rã trong môi trường

(khoahocdoisong.vn) - Về sự cố cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, theo các chuyên gia, nếu không được thu gom, thủy ngân sẽ tồn tại vĩnh viễn trong môi trường, “luồn lách” vào đất, nước, gây nguy hại cho sức khỏe.

Thủy ngân phát tán theo con đường nào?

TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng cho rằng, việc Bộ TN&MT công bố kết quả quan trắc các mẫu đất, nước sau sự cố cháy ở Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông là rất đáng hoan nghênh, song cũng có nhiều thông tin chưa rõ ràng. Trong kết quả quan trắc, cơ quan chức năng không công bố cụ thể ở các điểm đo chỉ số là bao nhiêu mà chỉ nói chung chung là vượt ngưỡng cho phép của WHO là 30 lần cũng chưa thực sự chính xác.

“Nếu công bố chính xác từng hố đo có lượng thủy  ngân là bao nhiêu thì mới xác định được hướng lan truyền của thủy ngân như thế nào. Ngoài ra, khi cháy, không chỉ thủy ngân mà nhiều kim loại khác cũng bị cháy và ảnh hưởng đến môi trường như sơn, nhựa cháy, các thành phần kim loại như cadimi, chì, thiếc, nhôm, kẽm, đồng… ở nhiệt độ cao đều bị nóng chảy và phát tán ra môi trường. Hàm lượng của những kim loại này như thế nào đều không được nhắc đến. Điều lo ngại nhất là sau mưa trời đã nắng lên, các hóa chất có thể sẽ bốc hơi, làm môi trường ô nhiễm nặng hơn, người dân cũng nên cảnh giác”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, các chất gây ô nhiễm này một phần được phát tán vào môi trường không khí, đất, nước xung quanh; phần còn lại lắng đọng vào nước trong quá trình dập lửa và theo dòng nước này thoát chảy vào sông Tô Lịch và tích tụ trong trầm tích đáy. Từ kết quả quan trắc cho thấy, phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân trong khoảng bán kính 500m tính từ hàng rào của kho sản phẩm bị cháy ra xung quanh.

Thủy ngân không tự phân rã

Các chuyên gia cho rằng, số lượng từ 15,1 đến 27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường là nguy hiểm, song cũng khó xác định mức đó là nhiều hay ít. Bởi nếu diện phát tán rộng thì mức độ độc hại cũng tăng theo. Điều đáng ngại là không giống các chất khác, thủy ngân không tự phân rã trong môi trường mà chúng gần như tồn tại mãi. Khi giải phóng vào không khí, nó tuần hoàn trong không khí, đất, và nước, tạo thành các hợp chất hóa học phức tạp và biến đổi vật lý thành các dạng khác nhau của thủy ngân.

Việc xử lý ô nhiễm thủy ngân trong đất, nước là rất phức tạp và tốn kém. TS Nguyễn Văn Khải cho biết, ngay từ lúc vừa xảy ra vụ cháy, ông đã gọi điện cho lãnh đạo Công ty Rạng Đông đề xuất phải tiến hành phun nước, rửa trôi khu vực xảy ra cháy. Phun thật nhiều nước để rửa sạch, sau đó tiến hành nạo vét hết bùn ở các hố ga quanh đó, những nơi mà nước thải chảy vào. Tập kết số bùn này vào một điểm để xử lý thì sẽ dễ dàng hơn nhiều, thủy ngân cùng các kim loại độc hại khác sẽ bị hạn chế phát tán ra môi trường. Thu gom bùn thải trong các hố ga sẽ làm bột mịn của thủy ngân không phát tán vào nước ngầm.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính có những biểu hiện như môi, lưỡi run, các khớp đau, trong người mệt mỏi, khó thở... Trường hợp tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân thì có thể gây tử vong. Tuy nhiên, với hàm lượng phát tán ra môi trường như đã được công bố thì lượng thủy ngân này đã hòa trộn vào đất, nước và bốc hơi một phần trong quá trình cháy nên việc nhiễm thủy ngân nếu có sẽ diễn ra từ từ, có thể vài tuần đến vài tháng. Nếu người dân có nghi ngờ về các vấn đề bất thường của sức khỏe thì nên đến bệnh viện để khám, xác định mình có bị nhiễm thủy ngân không.

Cách phòng ngừa tốt nhất là vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng vòi phun nước cọ rửa khu vực ngoài trời và khăn ẩm lau kỹ tường, sàn nhà. Hệ thống rèm cửa, quần áo, chăn ga… nên được giặt sạch sẽ. Nếu có điều kiện thì sử dụng máy lọc không khí cũng là một giải pháp tốt. Nhiều người tự  mua than hoạt tính về uống để thải độc, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ thực phẩm, điều này là vô tác dụng vì dù than hoạt tính được dùng để khử độc, hấp thụ độc tố nhưng than hoạt tính không hấp thụ được kim loại. Trường hợp nghi ngờ nhiễm độc, cách tốt nhất là đến bệnh viện để được điều trị.

Tô Hội

Chiều ngày 5/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan, đại diện chính quyền quận, phường... về xử lý vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Về nguyên nhân vụ cháy, đại diện Công an Hà Nội thông báo, hiện nay cơ quan giám định đang tiếp tục đánh giá, chưa có kết quả cuối cùng. Bước đầu phát hiện 1 bóng đèn compact bật 24/24h, mặc dù cầu dao dập nhưng không bao giờ bị tắt, có khả năng bóng đèn chập cháy, rơi xuống bên dưới toàn  hộp các tông. Đây mới là bước đầu nhận định chứ chưa phải nguyên nhân chính thức.

.

Theo Đời sống
back to top