<div> <p>Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo về việc chuẩn bị phiên họp thứ 54 của UB Thường vụ Quốc hội.</p> <p>Chương trình phiên họp thứ 54 dự kiến diễn ra ngày 10/3, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.</p> <p>Nội dung của phiên họp này còn có việc cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.</p> <p>UB Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Thường vụ Quốc hội bàn về nhân sự lãnh đạo chủ chốt trình Quốc hội bầu - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/02/icdn-dantri-com-vn_lanh-dao-chu-chot-1614658615309.jpg" title="Thường vụ Quốc hội bàn về nhân sự lãnh đạo chủ chốt trình Quốc hội bầu - 1" /> <figcaption>Tại kỳ họp 11 sẽ diễn ra từ 24/3 tới đây, Quốc hội sẽ tập trung cho việc kiện toàn chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.</figcaption> </figure> <p>Đặc biệt, ở phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ, UB Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc ngày 24/3 tới đây.</p> <p>Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, theo kết luận của UB Thường vụ sau phiên họp 53 diễn ra tuần tước, nội dung nghị sự tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.</p> <p>Thời điểm hiện tại chưa rõ những chức danh nào sẽ được kiện toàn tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, song đây cũng là việc đã từng có tiền lệ. Vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội cũng đã tiến hành kiện toàn nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.</p> <p>Tinh thần, như lãnh đạo Quốc hội quán triệt, là chức danh nào đã Đảng đã chuẩn bị được nhân sự mới kế nhiệm thì sẽ thực hiện kiện toàn ngay. Chỉ một số vị trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, nhân sự được dự kiến chưa phải là đại biểu Quốc hội thì phải chờ sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (cuối tháng 5/2021) sẽ tiếp tục được kiện toàn tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.</p> <p>"Bộ máy Nhà nước hoạt động liên tục, những lãnh đạo được bầu rồi thì tuyên thệ và điều hành ngay. Với những đại biểu được miễn nhiệm, không giữ chức danh nữa nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội vẫn phải nghiêm túc làm nhiệm vụ của đại biểu cho đến ngày cuối cùng theo quy định" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói tại phiên họp 53 của UB Thường vụ Quốc hội.</p> <p>Tuy nhiên, một lưu ý được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ra tại phiên họp 53 của UB Thường vụ Quốc hội, công tác nhân sự là thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước của nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Lưu nhấn mạnh, đây không phải là kiện toàn bộ máy nhà nước mà là kiện toàn các chức danh của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ này, không phải là thay đổi bộ máy Nhà nước, vẫn là Thủ tướng Chính phủ, vẫn là Chủ tịch Quốc hội của nhiệm kỳ này.</p> <p>Tại phiên họp thường kỳ diễn ra sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các thành viên Chính phủ "còn tồn tại việc gì mà giải quyết được trong phạm vi trách nhiệm của mình thì tập trung xử lý giải quyết để bước sang Chính phủ khóa mới một cách tốt nhất". Thủ tướng cũng đề cập việc kiện toàn sớm bộ máy Chính phủ. Cụ thể, theo ông, "nhân sự cơ bản sẽ thay đổi nên trách nhiệm bàn giao rất lớn".</p> </div> <p> </p>