Thương mại điện tử: Nhiều cơ hội, sẵn thách thức

(khoahocdoisong.vn) - Các trang thương mại điện tử toàn cầu đã thực hiện nhiều chiến lược thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tuyến hàng hóa. Đây được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong cơ hội luôn hàm chứa những thách thức lớn.

Nhiều cơ hội

Ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25%, tốc độ tăng trưởng này được dự báo có thể duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD trong vài năm tới. Và hiện đầu tư từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ vào mua cổ phần các sàn giao dịch, trang TMĐT trong nước, giúp thị trường này ngày càng sôi động.

Nếu so sánh với các nước có nền thương mại điện tử phát triển, doanh thu TMĐT của Việt Nam còn khá thấp. Chẳng hạn, doanh thu TMĐT năm 2018 của Mỹ ước vào khoảng 474 tỷ USD, Trung Quốc ước đạt 596 tỷ USD.... Điều này cho thấy cơ hội tăng trưởng của ngành TMĐT Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tiềm năng ấy còn được thể hiện qua việc hàng loạt các start-up thương mại điện tử đã liên tục gia nhập thị trường trong thời gian gần đây.

Tại Việt Nam, tham gia sớm vào lĩnh vực TMĐT phải kể đến FPT. Năm 2012, tập đoàn công nghệ này cho ra mắt trang thương mại điện tử sendo.com, tiếp đến là trang 123mua.vn.  Năm 2015, Vingroup tham gia ngành TMĐT với trang adayroi.com. Tới năm 2017, Thế giới di động cũng vận hành trang thương mại điện tử vuivui.com, tập trung vào phân khúc bán lẻ di động và điện máy. Nhưng rầm rộ nhất là công ty hàng đầu thế giới về TMĐT cũng lần lượt gia nhập thị trường Việt Nam, như: Amazon, Alibaba, Shopee, Lazada, Tiki…

Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng. Một tính toán của các chuyên gia cho răng, lợi nhuận của doanh nghiệp thậm chí có thể tăng gấp 3 lần khi xuất khẩu theo hình thức B2C (bán hàng cho người dùng cá nhân).

Theo ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Công ty May 10, công ty coi TMĐT là chiến lược dài hạn đúng với xu thế bán lẻ hiện đại, và đồng thời cũng là định hướng giúp cắt giảm chi phí doanh nghiệp. Với khoản chi phí tiết kiệm được nhờ TMĐT, doanh nghiệp có thể tập trung phát triển thương hiệu một cách nhanh nhất, và TMĐT cũng là con đường ngắn nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tức cũng là cách trực tiếp nhất để thương hiệu doanh nghiệp định vị trong tư duy người dùng.

Còn theo ông Phạm Năng Duy, giám đốc Công ty Onbrand cho biết, những sản phẩm thủ công làng nghề của Việt Nam đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của khách hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới, doanh số bán hàng cũng liên tục tăng lên nhờ TMĐT, dù các trang bán hàng thủ công của làng nghề Việt Nam xuất hiện chưa lâu.

Sẵn thách thức

TMĐT đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng nóng trong một thời gian ngắn này khiến cơ chế chính sách chưa theo kịp, thậm chí là tụt hậu so với thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, các sàn TMĐT như Alibaba hay Amazon đều đặt những quy định khá ngặt nghèo, chi phí bán hàng qua kênh này chưa hẳn là rẻ hơn so với phương thức bán hàng truyền thống. Cùng với đó là khả năng ngoại ngữ của doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tốt mới tiếp cận được lợi thế của TMĐT. Do đó, để khai thác tốt nhất tiềm năng và cơ hội do TMĐT đem lại, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tự nhiên đã trở thành bắt buộc, như ngôn ngữ, hiểu biết pháp luật, tập quán thương mại.... Từ đó hoàn thiện sản phẩm từ chất lượng tới mẫu mã, bao bì....   

Theo bà Mandy Nguyễn, giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - Startup Vietnam Foundation (SVF), ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu của nước sở tại, một gian hàng trên các trang TMĐT nước ngoài cần phải biết chăm sóc trả lời từng phản hồi của khách hàng trên toàn cầu, nếu giao tiếp tiếng Anh không tốt, không phản hồi kịp sẽ sớm bị loại ngay.

Các doanh nghiệp TMĐT cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề quản lý bởi ngành này còn khá mới, rủi ro về việc khách hàng đặt hàng nhưng lại không nhận hàng còn rất lớn, doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn những phí tổn do việc trả hàng về, chất lượng hàng hóa qua nhiều khâu vận chuyển khó đảm bảo được chất lượng như ban đầu.

Bà Tạ Thị Khánh Vân, điều phối dự án của Viện nghiên cứu phát triển Mekong cho biết, hiện nay có đến 95% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ thiếu rất nhiều các nguồn lực để có thể phát triển mạnh mẽ. “So về sản phẩm, như trà bồ công anh bán trên Amazon, về mẫu mã thì thậm chí chỉ ngang như sản phẩm của một công ty của Việt Nam. Nhưng, tại sao họ bán được còn doanh nghiệp Việt thì không?”, bà Vân nói.

Chất lượng của các mặt hàng rao bán trên các trang TMĐT cũng đang khiến nhiều người lo lắng. Rủi ro đối với khách hàng là hàng hóa mua về không đúng như chất lượng được công bố trên trang web bán hàng khiến nhiều người còn ngần ngại khi mua hàng online. Ngoài ra, hoạt động TMĐT cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý Nhà nước.

Các chủ thể hoạt động TMĐT dễ dàng xóa dấu vết, cản trở việc thu thập chứng cứ khi bị kiểm tra vi phạm. Bên cạnh khó khăn trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái, lừa đảo thông qua website, tình trạng gian lận thuế là một trong những vấn đề khó giải quyết với các cơ quan chức năng. Trong tình thế ấy, khi TMĐT đang phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mua sắm, bán lẻ, du lịch trực tuyến, quảng cáo trực tuyến còn tạo cơ hội cho dòng tiền “chảy” ra nước ngoài. Việc có quy định chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT đối với nhà nước, doanh nghiệp và xã hội đã trở thành vấn đề cấp thiết một cách rất tự nhiên như vậy.

 “Muốn xuất khẩu được qua kênh online, người bán hàng Việt không nên đăng hàng lên các platform thương mại điện tử quốc tế rồi ngồi chờ thời, mà hãy chăm sóc chúng kỹ càng thông qua công việc marketing đúng xu hướng, rà soát phản hồi từ khách hàng song song với tìm hiểu luật pháp nơi nhập khẩu, tìm kiếm nhà cung cấp logistic và thanh toán phù hợp” - ông Trịnh Hoàng Linh – Admin Group Amazon Vietnnam.

Theo Đời sống
back to top