Hình ảnh ngoại, mẹ và các dì trong bộ bà ba đã trở nên vô cùng quen thuộc.
Trong một lần chuẩn bị du lịch, nhỏ bạn đi chung đoàn hào hứng khoe: “Tui sẽ may một bộ bà ba để mặc cho giống con gái miền Tây”. Không ngờ ý kiến đó được nhiều người hưởng ứng. Dạo một vòng các nhà may ở Sài Gòn mới biết áo bà ba không bao giờ là… đồ xưa.
Quê ngoại của tôi là An Phú Đông, gắn với địa danh Mười tám thôn vườn trầu. Hình ảnh ngoại, mẹ và các dì trong bộ bà ba đã trở nên vô cùng quen thuộc. Thế nhưng, cuộc sống thị thành tất bật khiến tôi quên mất cái áo ngày xưa đó. Được dịp, ký ức tuổi thơ lại ùa về.
Hồi xưa, ngoại tôi thường mặc áo bà ba tay ngắn, may rộng, không có eo, mặc với quần đen. Hai miệng túi trước vạt áo được ngoại cài hai cây kim tây. Nhiều lúc tò mò, tôi lén tháo cây kim tây coi ngoại bỏ gì trong túi. Chỉ có chai dầu gió, ít trầu têm sẵn và tiền lẻ.
Áo ngoại toàn màu nâu và màu xám. Có đám tiệc đâu đó, ngoại mới mặc áo bà ba xám và quần đen mới. Còn ở nhà lo cơm nước, vườn tược thì ngoại mặc áo màu nâu với cái quần đen cũ, lai bị “cuốn kèn”.
Sáng đi chợ về, ngoại bỏ cái cái thúng xuống, lấy khăn rằn vắt vai thấm mồ hôi. Phe phẩy nón lá cho mát rồi ngoại gọi: “Sấp nhỏ đâu ra đây coi, ngoại mua xôi sáng nè!”.
Thế là cả đám cháu, gần chục đứa đang chơi khắp ngõ ngách ùa ra bu lấy ngoại. Đó là một trong số ít lần ngoại “xài sang”, vì các ngày khác, buổi sáng đám cháu thường ăn cơm nguội chan nước mắm.
Ăn trầu nên áo ngoại có mùi trầu, là mùi quen thuộc của ngoại. Mỗi khi nhớ ngoại là tôi kiếm cái áo thơm mùi trầu của ngoại ngửi. Mùi hương thân thuộc theo cả thời thơ ấu.
Năm 20 tuổi má tôi lấy chồng tuốt Chợ Lớn. Thời ấy đi lại khó khăn nên má được coi là lấy chồng xa. Cả năm mới về thăm ngoại được vài ngày. Lấy chồng người Hoa, lại ở thành phố nhưng má vẫn quen mặc áo bà ba. Dần dần, bận con cái, má ăn mặc xuề xòa hơn, những cái áo bà ba của má cũng ít dần đi. Tuy không mặc bà ba nữa nhưng má vẫn may một cái áo bà ba tay dài màu vàng hột gà và một cái quần đen ống rộng để dành đi đâu mặc.
Tôi nhớ lúc tầm 6 – 7 tuổi, vải dư nên má may cho một cái áo bà ba, rồi má sắm cho đôi guốc nữa. Nhìn tôi mặc áo bà bà, mang guốc đi lộp cộp, bắt chước dáng ngoại, người lớn trong nhà không ai nhịn được cười.
Thời gian trôi nhanh, khi thấy tôi có ý định may áo bà ba với nhóm bạn, má thủ thỉ: “Má thích mặc bà ba lắm. Giờ ước gì có một bộ để dành mặc về quê giỗ quảy”.
Hôm lấy cái áo bà ba màu xanh két với cái quần trắng về cho má, má nôn nao mặc thử liền, mỉm cười không dứt. Rồi má giặt, ủi treo bộ bà ba cẩn thận trong tủ như giữ kỷ vật vậy.
Hôm tôi tỏ ý định may áo bà ba thì có khá nhiều người cản. Ai cũng nói mặc bà ba phải dáng đẹp. Áo bà ba phải may kiểu cách tân hiện đại như may bằng vải mỏng rũ, màu sắc tươi sáng, ôm sát, không có hai túi ở vạt trước mới sang! Nhưng tôi lại thích cái áo bà ba như của ngoại. Tôi thích vải kate, màu tối, may rộng, mặc thoải mái, có hai cái túi đằng trước để bỏ đồ lặt vặt.
Hiện nay, có nhiều nơi may và cho thuê áo bà ba. Bà ba cho thuê đa số may bằng vải phi bóng, màu sắc sặc sỡ để lên hình cho đẹp. Giá thuê một bộ từ 30.000 đến 50.000 đồng một ngày. Giá may một bộ bà ba dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng mỗi bộ.
Chị Tư chủ nhà may Minh Tiến trên đường Trường Chinh, quận 12 cho biết, tiệm của chị chuyên may áo dài, áo bà ba đã 40 năm. Chị khẳng định: “Từ đó tới giờ tôi vẫn may áo bà ba đều đặn, chưa ế ngày nào. Thời gian gần đây lại có nhiều người đến may bà ba hơn. Cái áo bà ba có bao giờ xưa đâu!”.
Nguồn gốc, xuất xứ của áo bà bà hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, như áo bà ba ảnh hưởng từ trang phục của người Chăm, cách tân từ áo của người dân đảo Penang, Malaysia, sửa đổi từ áo của người Hoa. Trải qua mấy trăm năm, chiếc áo bà ba không bao giờ xưa ấy đã trở thành nét đẹp đặc trưng của con người Nam bộ phóng khoáng, chân tình.
Chị Trần Thu Hà, giáo viên một trường cấp hai ở quận 10 hào hứng kể: “Tôi thấy một người bạn mua vải bông may áo bà ba mặc đi đám cưới thiệt đẹp. Giữa một rừng váy áo mà bạn ấy vẫn nổi bật, vừa sang trọng lại vừa giản dị. Nên tôi cũng bắt chước may một bộ để dành”.
Bất chợt, tôi nghĩ áo dài và áo bà ba ví như hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân vậy. Nếu áo dài là cô chị Thúy Kiều xinh đẹp, sắc sảo, mặn mà, được nhắc đến nhiều thì cô em bà ba Thúy Vân xinh đẹp, hồn hậu, bình yên trải qua trăm năm dâu bể.
Đan Như (tổng hợp)