Thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, là thương hiệu mạnh

(khoahocdoisong.vn) - Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, Việt Nam đứng thứ 43 thế giới, tăng 2 bậc, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Chiến lược Thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay, để từ đó đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố, thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, dù đã có những thành công sau 15 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhưng những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa khẳng định được vị trí và thương hiệu trên trường quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia cần phải xét từ góc độ doanh nghiệp (DN). Một bộ phận DN chưa coi trọng thương hiệu, cũng như vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu. Nhiều cơ quan tổ chức chưa có biện pháp hỗ trợ thực sự cho việc triển khai phát triển thương hiệu Việt. Nguồn lực cho đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm của Việt Nam trong những năm qua còn có hạn chế.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phân tích, Bộ Công thương cần làm việc với cộng đồng DN, hiệp hội DN nhiều hơn để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN xây dựng phát triển thương hiệu. Đồng thời với nguồn lực còn nhiều hạn chế, Việt Nam cần tập trung thực hiện những việc hiệu quả nhất cho phát triển thương hiệu. Cần xem xét lại tính hiệu quả của nhiều chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để sử dụng ngân sách quốc gia hiệu quả cho phát triển thương hiệu.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương, số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2008 mới có 30 doanh nghiệp, nay đã tăng lên 97 doanh nghiệp năm 2018. Để nâng cao thế mạnh của thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo VietnamDaily
back to top