Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỉ USD

Bất chấp đại dịch COVID-19, 388 tỉ USD là con số định giá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021. Với mức tăng 21,6% so với năm 2020, thương hiệu quốc gia Việt Nam duy trì hạng 33 thế giới
thuong-hieu-2.jpg
Khởi động tuần lễ thương hiệu.  Ảnh BTC

Ngày 20/4/2022 tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác trong nước và quốc tế đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”.

Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Tuần lễ được diễn ra từ ngày 18/4 – 24/04/2022 nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 cũng như tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) và quảng bá các sản phẩm đạt THQG Việt Nam đã được Chính phủ công nhận.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia (THQG) 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng THQG của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Năm 2021, theo báo cáo từ Brance Finance, THQG Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỉ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tăng từng năm, từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt trong top 10, con số này đã từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021. Bên cạnh số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp THQG trong top 10 cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021. Rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề, Việt Nam vẫn là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng cho biết, những năm gần đây, thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi các giá trị cốt lõi (Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong) của chương trình THQG Việt Nam. Hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của THQG Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2022, năm thứ 14 kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam (ngày 20/4). Nhân dịp này, trong khuôn khổ Tuần lễ THQG Việt Nam, bên cạnh những sự kiện lớn như lễ khai mạc, trưng bày sản phẩm, truyền thông rộng rãi, diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam sẽ được tổ chức quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm bàn thảo và tìm ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa sức ảnh hưởng và lan toả THQG Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top