<div> <div> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="Chú thích ảnh" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/20/backinh.jpg" /> <figcaption>Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang bên ngoài Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Bắc Kinh. Ảnh: UPI</figcaption> </figure> </div> <p>Dẫn thông báo từ chính quyền thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang ngày 16/2, tờ Chinadaily cho biết Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia đã thông qua giấy phép bán thuốc Favilavir, trước đó được biết đến với tên gọi Fapilavir, ra thị trường. </p> <p>Là sản phẩm của Công ty Dược Hisun Chiết Giang, và ban đầu dùng để điều trị viêm mũi họng, Favilavir giờ đây được mong đợi đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và chữa trị bệnh COVID-19 (nCoV).</p> <p>China Daily cho hay thuốc kháng virus Favilavir đã bắt đầu được sản xuất từ ngày 16/2.</p> <p>Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ngày 15/2 thông báo Favilavir là một trong ba loại thuốc chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị người bị mắc COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng. Theo nguồn tin trên, thuốc Favilavir đã được thử nghiệm ở 70 bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại thành phố Thâm Quyến.</p> <p>Trong nỗ lực tìm ra thuốc chống lại loại virus chết người nCoV, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng kêu gọi bệnh nhân phục hồi hoàn toàn trước COVID-19 hiến tặng huyết tương để họ dựa vào đó bào chế thuốc chữa bệnh dịch.</p> <p>Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 17/2 cho biết phương pháp trên, được gọi là liệu pháp globulin miễn dịch, đã được sử dụng trong hàng chục năm để điều trị các bệnh do virus gây ra.</p> <p>Theo lý thuyết, những người đã hồi phục sau khi nhiễm virus có kháng thể chống lại loại virus này trong máu và những kháng thể đó có thể được truyền cho người bệnh khác bằng phương pháp truyền máu. Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong việc chữa trị hiệu quả là thời gian - việc truyền máu cần được thực hiện đủ sớm trong quá trình nhiễm bệnh để các kháng thể hoạt động.</p> </div> <div> <p>Tính đến thời điểm ngày 17/2, tỉnh Chiết Giang ghi nhận 1.167 ca nhiễm COVID-19. Đây là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai sau tỉnh Hồ Bắc – vùng tâm dịch được coi là nơi xuất phát của bệnh dịch.</p> <p>Trước đó, một vài thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang như Thái châu, Ôn Châu, Ninh Ba đã bị áp lệnh phong tỏa một phần, với tổng cộng hơn 30 triệu người được đặt trong tình trạng hạn chế đi lại. Cư dân tại các thành phố này cho biết họ nhận được “một giấy thông thành” cho mỗi hộ gia đình. Chỉ có người nào cầm giấy thông hành này mới được phép ra khỏi nhà với giới hạn 2 ngày/lần.</p> <p>Theo số liệu cập nhật của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong ngày 17/2 có 98 ca tử vong và 1.886 ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp - COVID-19 (nCoV) được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, theo đó số người tử vong tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát là 1.873 ca và tổng số người nhiễm là 73.332 người.</p> <p>Trong đó, riêng tại tỉnh tâm dịch Hồ Bắc trong ngày 17/2 có 93 ca tử vong mới, tỉnh Hà Nam có 3 ca, Hà Bắc có 1 ca và Hồ Nam 1 ca. Giới chức y tế Trung Quốc cũng cho biết tính đến hết ngày 17/2 đã có tổng cộng 12.552 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) được xuất viện, trong đó riêng ngày 17/2 có 1.701 người bình phục về nhà.</p> </div> </div> <p> </p>