Thuốc giá rẻ điều trị được 80% loại ung thư

Việc tiếp cận với các thuốc thiết yếu cũng là một vấn đề lớn, với 21 loại thuốc đặc trị thiết yếu giá rẻ có thể điều trị hơn 80% loại ung thư.

Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) vừa công bố số liệu về tình hình ung thư tại thế giới và Việt Nam.

Số bệnh nhân ung thư trên thế giới tiếp tục gia tăng với 19,3 triệu ca mới trong năm 2020 so với 18,1 triệu ca trong năm 2018. Số ca tử vong do ung thư cũng tăng tương ứng từ 9,6 triệu ca tăng lên 10 triệu ca. Dự đoán số ca mới sẽ tăng lên 28,4 triệu ca vào năm 2040 (47%).

bs-trieu-vu.jpg
Phòng ngừa ung thư chủ động hiện nay có vắcxin, 21 loại thuốc đặc trị thiết yếu giá rẻ có thể điều trị hơn 80% loại ung thư. Ảnh tư liệu.

Tại Việt Nam, số ca ung thư đã tăng từ 165000 ca mới vào năm 2018 lên 182000 ca mới vào năm 2020. Số ca tử vong do ung thư cũng tăng từ 115000 người lên 123000 người sau 2 năm.

Tỷ lệ ung thư của Việt Nam đứng 90/185 thế giới

Số lượng người bệnh ung thư tăng là xu hướng tất yếu của thế giới do dân số ngày càng đông lên và số người dân lớn tuổi ngày càng nhiều nhờ vào việc điều trị tốt các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường … cũng như các bệnh truyền nhiễm lao, HIV…

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác góp phần làm tăng số bệnh nhân ung thư như lối sống sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, lười vận động cũng làm tăng các loại ung thư liên quan, môi trường sống ô nhiễm, cơ địa dễ mắc ung thư.

Ngoài ra, công tác ghi nhận ung thư cộng đồng ngày càng đầy đủ và chính xác hơn, người dân ý thức và chịu khó khám bệnh hơn trước đây.

Tuy nhiên điều thách thức là tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam đứng 90/185 quốc gia nhưng tỷ lệ tử vong đứng thứ 50, cho thấy phần lớn bệnh ung thư khi phát hiện đã ở giai đoạn trễ.

Vậy đối đầu với ung thư chủ yếu vẫn là việc điều trị. Đây là một thách thức, tại một số nước, bệnh nhân phải chờ đến 6 tháng mới có kết quả xét nghiệm khối u.

Chưa đến 30% bệnh nhân tại các nước đang phát triển có thể tiếp cận đầy đủ với điều trị. Bác sĩ xạ trị, phẫu thuật… đều thiếu.

Chủ động phòng ngừa ung thư

Việt Nam là nước có chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung khá hiệu quả, và tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đã giảm nhiều trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên việc tầm soát các loại ung thư khác còn mang tính lẻ tẻ, tự phát, hiệu quả không cao và thiếu một cơ quan điều phối hiệu quả.

Năm 2013, WHO đã đưa ra chương trình Hành động toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm (NCD) trong đó có ung thư với mục tiêu giảm 25% các trường hợp tử vong do NCD vào năm 2025.

158/190 quốc gia thuộc Liên hợp quốc có chương trình hành động quốc gia nhưng chỉ 7% có kế hoạch cụ thể và 11% có ngân sách và nguồn lực để thực hiện, do đó có thể nói rằng phần lớn các chương trình đều trên giấy và không bao giờ được thực hiện.

Phòng ngừa chủ động hiện nay có vắcxin HPV dùng ngừa virus sinh u nhú của người (human papilloma virus) có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cho người chưa nhiễm HPV và vắcxin ngừa viêm gan siêu vi B giúp ngừa viêm gan B và giảm ung thư gan.

Phần lớn các ung thư khác chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, chủ yếu dựa vào tầm soát, phát hiện sớm như ung thư vú, ruột già...

Thuốc giá rẻ điều trị được 80% ung thư

Việc tiếp cận với các thuốc thiết yếu cũng là một vấn đề lớn, với 21 loại thuốc đặc trị thiết yếu giá rẻ có thể điều trị hơn 80% loại ung thư.

Tuy nhiên, việc thiếu thuốc thường xuyên xảy ra, nguyên nhân có thể do là thuốc giá rẻ nên không hấp dẫn các công ty dược, các nhà đầu tư và hoạch định chính sách.

Bệnh nhân ung thư tại các nước đang phát triển rất khó tiếp cận với morphin, là thuốc giảm đau chính cho giai đoạn cuối, với > 90% lượng morphin được sử dụng tại các nước phát triển, dưới 10% tại các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam hiện tại có khá đầy đủ danh mục thuốc điều trị ung thư và được Bảo hiểm Y tế chi trả, cũng như các thuốc giảm đau cho bệnh nhân trong đó có morphin, tuy nhiên thủ tục pháp lý cũng như thời gian cấp thuốc khá ngắn là rào cản cho nhiều bệnh nhân.

Trong hơn 2 năm bùng phát dịch Covid, có thể nhận thấy một lượng lớn các bệnh nhân từ ung thư đến các bệnh truyền nhiễm khác đang âm thầm gia tăng cả về số lượng và mức độ nặng mà không được chẩn đoán, điều trị đúng mức và tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.

Một đợt sóng ngầm từ các bệnh lý khác đã hình thành và phát triển theo theo mức độ của dịch Covid-19.

Tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy khi dịch bùng phát tình trạng bệnh nhân ngại đi khám bệnh, một số bệnh viện lớn bị phong tỏa do dịch bệnh.

Hơn thế nữa, các thuốc đặc trị nhất là các thuốc nhập khẩu đôi khi bị thiếu hụt, hàng loạt cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động… đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng điều trị và tuân thủ của bệnh nhân.

Việt Nam đã vượt qua dịch Covid-19 nhờ vào quyết tâm của chính phủ và người dân với chiến lược phủ vắcxin toàn dân được thực hiện nhanh chóng triệt để.

Cuộc sống người dân dần trở lại bình thường, số lượng bệnh nhân tái khám tăng lên nhiều, nhiều bệnh nhân nặng đến khám sau giãn cách.

Cách giải quyết tốt nhất là tạo mạng lưới y tế đồng đều tại tất cả các tỉnh thành, tránh tập trung quá đông bệnh nhân tại các thành phố lớn, điều này sẽ giúp bệnh nhân có thêm nhiều chọn lựa, hạn chế tối đa việc đứt gãy việc điều trị như các đợt bùng phát dịch vừa qua.

ThS.BSCKII Nguyễn Triệu Vũ (Trưởng khoa Ung bướu – Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM)

Theo Đời sống
back to top