Dịch của tâm thủy khí là mồ hôi
Mồ hôi là thủy dịch dùng để khắc chế hỏa nhiệt nên liên hệ với tâm thủy khí. Sốt mà có mồ hôi là dấu hiệu tốt vì tâm thủy khí còn vững mạnh để chống lại với nhiệt tà. Sốt mà không xuất được mồ hôi (mồ hôi lạnh) là dấu hiệu thất thoát tâm thủy khí: Vong dương, thoát dương.
Ra mồ hôi là do tâm thủy khí. |
Theo y học cổ truyền phương Đông, có 3 bệnh chứng thường gặp liên quan đến tâm thủy khí là: Truỵ tim mạch (vong dương, thoát dương); Mồ hôi trộm (người bị lao phổi hay trẻ con đổ mồ hôi trộm); Rối loạn thần kinh giao cảm (liên quan đến tâm hỏa khí “chứng phong thấp”, ra mồ hôi tay chân).
Trụy tim mạch: Biểu hiện của tâm thủy khí liên quan đến tim mạch gồm: Huyết áp tụt, tim đập nhanh, ra nhiều mồ hôi. Dùng bài Sâm phụ thang để hồi dương cứu nghịch: Nhân sâm 16g, phụ tử chế 4g. Cho vào chén nước, chưng cách thuỷ, rồi cho bệnh nhân uống từng chút một.
Dùng tiếp thang Sâm phụ thang gia giảm để hồi dương cứu nghịch bảo tồn nhằm ích khí để thu liễm tân dịch, sinh mạch, cứu thoát. Bài thuốc Sinh mạch hồi dương thang gồm: Nhân sâm 20g, hắc phụ tử (chế) 4g, bạch truật (sao gạo) 12g, bán hạ (chế) 08g, chích thảo 4g, trần bì 8g, can khương (gừng khô) 6g, nhục quế 6g, ngũ vị tử 10g, phục linh 12g, sinh khương (gừng sống) 3 lát. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói, uống trong vòng 1 tuần thì ngưng. Trong thời gian uống thuốc, đừng quên chườm đá nóng vùng lưng, vùng gan và vùng dưới rốn.
Các vị thuốc Đông y có tác dụng với bệnh tâm thủy khí. |
Mồ hôi trộm: Dùng bài Lục vị gia tri mẫu, hoàng bá gọi là bài Tri bá địa hoàng hoàn có tác dụng tư âm giáng hỏa mạnh hơn. Thường dùng trong những trường hợp bệnh lao phổi, sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm có tác dụng tốt. Thành phần: Thục địa 20 - 32g, sơn thù 10 - 16g, trạch tả 8 - 12g, hoài sơn 10 - 16g, phục linh 8 - 12g, đơn bì 8 - 12g, tri mẫu 8g- 12g, hoàng bá 8g - 12g. Luyện mật làm hoàn ngày uống từ 8-12g ngày dùng từ 2-3 lần uống với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt...
Bài thuốc trị mồ hôi đêm: Dùng bột ngũ bội tử làm thành hồ rồi đắp lên vùng rốn trước khi đi ngủ.
Thần kinh giao cảm: Sự điều tiết mồ hôi do thần kinh giao cảm chỉ huy qua các hạch thần kinh giao cảm nằm dọc hai bên cột sống, nách, trên núm vú 1 lóng tay. Hoạt động của hệ thần kinh giao cảm đi tới các tuyến mồ hôi. Mồ hôi thường bị kích thích bởi 3 yếu tố: Nhiệt độ, tâm lý và vị giác.
Khoảng 3% dân số có sự điều khiển bài tiết mồ hôi bị rối loạn do cường thần kinh giao cảm. Ở những người này thường có biểu hiện tim đập nhanh, tâm lý căng thẳng, dễ xúc động mạnh kèm theo hiện tượng mồ hôi chảy ra nhiều, liên tục (bệnh tăng tiết mồ hôi). Vị trí mồ hôi tiết ra nhiều thường ở lòng bàn tay, bàn chân… nơi khu trú nhiều tuyến mồ hôi nhưng có trường hợp mồ hôi chảy ra nhiều cả ở ngực, đầu hoặc toàn thân.
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi như nội khoa, ngoại khoa (phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm)… Tuy nhiên, các phương pháp trên thường cho kết quả tạm thời hoặc người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn sau phẫu thuật. Trong điều trị hay dùng bài Bổ trung ích khí: Hoàng kỳ 20g, chích thảo 4g, thăng ma 12g, đảng sâm 16g, đương quy 12g, sài hồ 10g, bạch truật 12g, trần bì 6g. Sắc nước uống. Gia thêm ma hoàng căn 12 - 16g.
Hỗ trợ điều trị: Mồ hôi vùng tay: Chườm nóng vùng gan và chườm lạnh vùng nách và trên ngực. Mồ hôi đầu: Chườm nóng vùng gan và chườm lạnh các đốt C4-C5. Chườm nóng vùng gan và chườm lạnh vùng lưng L5-S1.
BS Dư Quang Châu (Chủ tịch chi Hội Giáo dục sức khỏe cộng đồng – thập chỉ liên tâm)