Cách nhận biết thuốc bôi chứa corticoid
Các chất là corticoid có trong thành phần thuốc bôi ngoài da rất phong phú, thường gặp như: hydrocortisone, dexamethasone, betamethasone, fluocinolone, triamcinolone…
Thuốc có thể được sản xuất dưới dạng đơn thành phần (một hoạt chất là corticoid) hoặc kết hợp với các thành phần khác như kháng sinh, kháng nấm, acid salicylic… để tăng hiệu quả điều trị của thuốc.
Do các sản phẩm này có nhiều tên biệt dược khác nhau, vì vậy khi mua thuốc cần xem thành phần của thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi dược sĩ, xem đó có phải là corticoid hay không.
Ảnh minh họa.
Thuốc bôi có corticoid được chỉ định điều trị trong nhiều bệnh như bệnh da có viêm (chàm), rối loạn tăng sinh da (vẩy nến), rối loạn xâm nhiễm da (sarcoidosis)… Sự đáp ứng của corticoid tùy theo bệnh và an toàn nếu sử dụng thuốc một cách hợp lý.
Các loại kem, mỡ chứa corticoid có độ mạnh chống viêm khác nhau, vì thế việc thành công hay thất bại trong điều trị phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn thuốc có độ mạnh phù hợp với tính chất bệnh lý (bệnh gì), vùng da tổn thương (dày hay mỏng), vị trí mắc bệnh (mặt, thân, hay chi), lứa tuổi (trẻ em, người già)…
Ví dụ, bệnh vẩy nến thể mảng và eczema ở bàn tay (vùng da dày) cần dùng loại có tác dụng chống viêm mạnh, nhưng viêm da da dầu hay viêm da quanh mi mắt (chỗ da mỏng, nếp kẽ nách, bẹn) thì chỉ cần dùng loại có tác dụng chống viêm nhẹ.
Mặc dù thuốc có tác dụng chống viêm tốt, nhưng lại là loại thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nhất là khi dùng kéo dài.
Phổ biến nhất là kích ứng gây ngứa rát, khô da (phần lớn do tá dược), rậm lông, rạn da, viêm nang lông, giảm sắc tố trên da (vết trắng da do co mạch), teo da và giãn mao mạch xuất huyết, trứng cá, viêm da tiếp xúc dị ứng (nhất là loại có chứa kháng sinh như noemycin), lâu lành vết thương da, làm tăng bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm, ký sinh trùng, virut…
Thuốc cần được dùng đúng bệnh. Đối với trường hợp bị loét da, hoặc da đang bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm virut mà mua các thuốc này bôi thì chỉ làm cho vết loét rộng ra, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm… nặng hơn.
Hoặc những trường hợp mà đã bị dị ứng với thuốc này rồi không biết lại mua bôi vào thì tình trạng dị ứng sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, đối với các trường hợp trên bị chống chỉ định (không được dùng) các thuốc này.
Ngoài ra, nếu bôi trên diện rộng và không kiểm soát được thuốc sẽ hấp thu toàn thân gây ra những bất lợi như dùng thuốc đường uống.
Các bất lợi này thường rất nặng nề như gây thiên đầu thống, đục thuỷ tinh thể, hội chứng cushing, loét dạ dày, ức chế trực dưới đồi tuyến yên – thượng thận… nhất là với trẻ em, đối tượng thường nhạy cảm hơn với thuốc, do đó càng phải tránh bôi dài ngày trên diện rộng.
Thuốc có độ chống viêm nặng nhẹ khác nhau mà chúng ta không tự nhận biết được. Nếu dùng sai bệnh hoặc không phù hợp với độ nặng, nhẹ của bệnh sẽ không hiệu quả và nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc là rất lớn. Các tác dụng phụ này sẽ làm cho bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo vì chúng gây biến đổi hình thái lâm sàng và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh…
Hơn nữa, việc dùng thuốc còn phụ thuộc vào diễn biến của bệnh để thay đổi cách dùng thích hợp. Vì vậy, thuốc chỉ nên dùng khi có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Khi có chỉ định của bác sĩ, trước khi bôi, cần vệ sinh vùng da bị bệnh, đợi tổn thương khô hẳn rồi mới bôi thuốc. Đối với thuốc mỡ, bôi một lớp thuốc mỏng, rồi mát-xa nhẹ (hoặc xoa miết nhẹ) để thuốc ngấm vào da, không băng kín.
Đối với những vùng da dày (bàn tay, bàn chân) hoặc những bệnh dày sừng (vẩy nến, eczema mạn tính…) có thể băng kín sau bôi thuốc để tăng hấp thu thuốc, tăng hiệu quả điều trị (thường băng kín vào ban đêm, lúc đi ngủ).
Việc băng kín này cũng cần có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu có bất thường người bệnh phải liên hệ ngay với bác sĩ điều trị biết để được ứng phó kịp thời.
Mai Khôi (tổng hợp)