Thủng màng nhĩ do bông ngoáy tai

Tai có khả năng tự làm sạch mà không cần lấy ráy tai thường xuyên. Dùng tăm bông hoặc các vật dụng vệ sinh tai thụt sâu, dễ đẩy ráy vào sâu bên trong, nguy cơ thủng màng nhĩ, nhiễm trùng cao.

Chị Lan, 36 tuổi, bỏ quên tăm bông đang ngoáy trong tai để làm việc khác, lát sau chị vô tình chạm vào tai, đẩy tăm bông thụt sâu gây rộng màng nhĩ rộng.

Kết quả nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận chị Lan bị thủng màng nhĩ rộng, gần toàn bộ vùng góc sau, ống tai trái trầy xước, đọng máu. Đo thính lực đồ cho thấy bệnh nhân nghe kém dẫn truyền độ 3, chụp CT nghi ngờ gãy trụ trước xương bàn đạp trái (một trong những xương nhỏ của tai giữa, tham gia dẫn truyền các rung động âm thanh vào tai trong, đây cũng là xương nhỏ nhất và nhẹ nhất trong cơ thể người).

Hình ảnh nội soi tai vào thời điểm thủng màng nhĩ (hình A) – 10 ngày sau khi điều trị thủng nhĩ (hình B) và màng nhĩ lành hẳn sau 3 tuần (hình C) Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Hình ảnh nội soi tai vào thời điểm thủng màng nhĩ (hình A) – 10 ngày sau khi điều trị thủng nhĩ (hình B) và màng nhĩ lành hẳn sau 3 tuần (hình C) Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Ngày 21/9, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết người bệnh được điều trị nội khoa, vệ sinh tai, sau ba ngày bớt chóng mặt, ù tai, buồn nôn, được xuất viện kèm hướng dẫn vệ sinh tai, uống thuốc. Ba tuần sau tái khám, các triệu chứng hết, màng nhĩ lành.

Kết quả đo thính lực đồ của bệnh nhân trước khi điều trị (hình A) và sau khi điều trị thủng nhĩ 3 tuần (hình B) Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Màng nhĩ là lớp màng mỏng hình bầu dục, ngăn cách tai ngoài với tai giữa. Chức năng của màng nhĩ là tiếp nhận sóng âm từ bên ngoài, tạo rung động và dẫn truyền qua chuỗi xương con, đến các tế bào cảm nhận âm thanh ở tai trong.

Ráy tai không hình thành ở phần sâu trong ống tai mà nằm ở ống tai ngoài. Khi nhai, các cử động hàm giúp đẩy ráy ra khỏi ống tai. Về cơ chế chức năng, tai có khả năng tự làm sạch mà không cần lấy ráy tai thường xuyên. Dùng tăm bông hoặc các vật dụng vệ sinh tai thụt sâu, dễ đẩy ráy vào sâu bên trong, nguy cơ thủng màng nhĩ, nhiễm trùng cao.

Theo ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, thủng màng nhĩ gây giảm thính lực, điếc. Nếu các tác nhân có hại như bụi bẩn, vi trùng, nước… xâm nhập vào tai giữa dễ làm nhiễm trùng. Tình trạng này lâu ngày dẫn đến viêm xương chũm (khối xương nhỏ, lồi nằm ngay ở phía sau vành tai) hoặc nhiễm trùng lan rộng vào các tổ chức ở não, viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch, liệt mặt, nguy hiểm tính mạng.

Có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ như viêm tai giữa, dị vật, chấn thương vật lý (va đập vùng đầu, tai), chấn thương âm thanh (nghe âm thanh, tiếng nổ lớn), chênh lệch áp suất khi đi máy bay, lặn xuống biển… Thủng màng nhĩ do chấn thương có thể lành lại sau vài tuần đến vài tháng, tùy mức độ tổn thương. Bệnh được điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật nội soi vá nhĩ).

“Mọi người nên dùng bông gòn, khăn giấy lau nhẹ nhàng bên ngoài ống tai. Trường hợp ráy tai nhiều, hình thành nút ráy tai, nên đến cơ sở y tế để bác sĩ xử trí. Khi có dấu hiệu nghi ngờ thủng màng nhĩ, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín có chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra, điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm”. ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng khuyến cáo

Theo Đời sống
back to top