Ngày càng nhiều người sử dụng tinh bột nghệ như một loại “thần dược” trị bách bệnh, phòng ngừa ung thư nhưng không biết rằng, dùng quá nhiều hoặc sai cách lại là tác nhân gây bệnh.
Cứ nghĩ đau dạ dày là uống tinh bột nghệ mà không đi khám
Bà N.T.L, 55 tuổi (Hà Nội) hay bị đầy bụng, ăn không tiêu và ợ nóng. Nghĩ mình bị bệnh dạ dày nên bà thường xuyên sử dụng tinh bột nghệ và mật ong vài năm nay. Trước đây mỗi khi đau bà uống 1 đợt, mỗi ngày khoảng 7-8 viên trước bữa ăn, hôm nào có cơn đau bất chợt thì uống thêm 5 viên nữa. Duy trì uống đều đặn suốt 3 tháng, bà thấy bệnh không đỡ và ngày càng đau tăng lên nên đi khám.
Theo “những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, nghệ vị cay đắng, tính ôn, vào 2 kinh can và tỳ, nghệ có tác dụng phá ác huyết, huyết tích, kim sang và sinh cơ (lên da) chỉ huyết. Nhưng nếu âm hư mà không ứ trệ cấm dùng; Các bệnh sản hậu (sau khi đẻ) mà không phải nhiệt kết ứ, đàn bà có thai, rong kinh kéo dài cũng không nên dùng.
Kết quả nội soi phát hiện bã khối thức ăn lớn màu vàng, tương đương như quả trứng gà chiếm một phần phình vị dạ dày. Bác sĩ đã can thiệp nội soi, cắt nhỏ khối bã thức ăn và lấy ra từng phần.
Tinh bột nghệ kết dính bã thức ăn |
Sau khi lấy khối bã thức ăn, 1 ổ loét nặng ở vùng khối thức ăn tiếp xúc với niêm mạc dạ dày lộ ra. Bác sĩ nhận định đây là một trường hợp điển hình của bã khối thức ăn hình thành trong dạ dày do sử dụng tinh bột nghệ lâu ngày.
PGS.TS Tuấn cho biết, đây chỉ là một trong 5 ca bệnh điển hình gần đây ông phẫu thuật. Thực tế, trong 40 năm công tác ông đã tiếp nhận và điều trị cho không ít người bị viêm loét dạ dày nặng, thậm chí tắc ruột, ung thư giai đoạn muộn vì cứ nghĩ đau dạ dày là uống tinh bột nghệ mà không đi khám và điều trị.
“Số bệnh nhân bị viêm dạ dày nặng, đọng bã thức ăn đang tăng nhanh chóng do ngày càng nhiều người, kể cả trẻ em, người không có bệnh lý dạ dày cũng sử dụng tinh bột nghệ như một thứ “thần dược” để bồi bổ và phòng ngừa bệnh tật” , PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh
Tại bệnh viện Da Liễu Trung Ương cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân do dùng nghệ sai cách.
Chị N.T.H. (Hà Nội) giã nghệ lấy nước bôi lên vết bỏng đã thành sẹo. Hậu quả chỗ đó phồng rộp lên như mới bị bỏng, sau đó toàn bộ chân lở loét, chảy mủ rồi khô lại như những gốc cây già rồi bong từng mảng
Trường hợp khác, chị Đ.T.M (Hà Nội) mới sinh được mẹ nướng nghệ cho ăn và ăn nghệ rang thịt để bổ máu. Đặc biệt chị còn dùng nghệ xoa người để tránh rạn da, cho da đẹp. Nào ngờ chị M. phải đi cấp cứu vì khó thở, nổi mề đay, hạ huyết áp, suy gan, thận…
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Viện Trưởng Viện Da liễu Quốc gia, bệnh viện cũng gặp khá nhiều bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm trùng và sẹo lồi khi dùng nghệ tươi và một vài chế phẩm được tinh chế từ nghệ vào vết thương. Đặc biệt có những người có phản ứng mạnh còn bị khó thở, nổi mề đay, lở loét toàn thân, thậm chí suy đa phủ tạng nguy hiểm tới tính mạng vì dị ứng với nghệ.
Chỉ một nút nhấn chuột “tinh bột nghệ” của phóng viên Khoa học và Đời sống trên google trong 0.30 giây đã cho ra kết quả 24.000.000 bài viết liên quan. Tinh bột nghệ không chỉ được quảng cáo mà còn được cả các bác sĩ, bệnh viện giới thiệu với các công dụng tuyệt vời như: Chống viêm hiệu quả, ngăn ngừa các bệnh mạn tính, giảm đau xương khớp, tốt cho quá trình tiêu hóa, cân bằng thần kinh, giảm các triệu chứng bệnh tiểu đường, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm lo lắng về tâm trạng, giảm các vấn đề về da, bổ máu nâng cao sức khỏe, phòng ngừa và chữa trị ung thư…
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn nhận định, tinh bột nghệ là một loại gia vị phổ biến trong ẩm thực và được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có khả năng hạn chế viêm loét và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh rằng uống tinh bột nghệ có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế ung thư dạ dày và viêm loét.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cùng ê kíp nội soi cho bệnh nhân bị tắc bã thức ăn |
Tốt cũng không nên lạm dụng
BS Yên Lâm Phúc - Học viện quân Y 103 cho biết, dị ứng với nghệ là hiện tượng phổ biến. Trong nghệ có chứa một số axit béo thực vật. Các axit béo này nằm trong tinh dầu nghệ nên có khả năng gây ra dị ứng mạnh. Trong 100g nghệ có chừng 9,8g chất béo dạng này. Thêm vào đó, một số phân tử protein nhỏ trong nghệ cũng dễ dàng thẩm thấu qua thành ruột và da gây ra phản ứng dị ứng.
Trong 100g nghệ có chừng 7,8g chất protein dạng này. Người bị dị ứng với nghệ chính là dị ứng với hai chất này chứ không phải dị ứng với curcumin. Vì vậy, những người có cơ địa nhạy cảm, dễ ngứa và dễ loét hoặc dị ứng với chất béo thì không nên dùng nghệ.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, tinh bột nghệ được cho là có tính chất kháng viêm và chống oxy hóa, có thể giúp giảm tình trạng viêm và tổn thương niêm mạc dạ dày.
Nghệ có thành phần curcumin giúp hỗ trợ liền vết thương và mật ong có tính kiềm giúp trung hòa bớt axit dịch vị. Tuy nhiên, với bệnh nhân cao tuổi, người có nhu động ruột kém khi uống nghệ mật ong rất dễ kết dính với các chất xơ trong thức ăn, hình thành khối bã trong dạ dày gây đau bụng và tổn thương dạ dày.
“Tinh bột nghệ cần phải lưu ý và được sử dụng đúng cách. Uống tinh bột nghệ quá nhiều hoặc lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và ảnh hưởng đến hệ thống gan, thận. Vì vậy, nếu đang dùng thuốc hoặc có các vấn đề về sức khỏe, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng tinh bột nghệ”, BS Phúc khuyến cáo.
Cách sử dụng tinh bột nghệ đúng cách:
“Nên uống tinh bột nghệ trước ăn 30 phút hoặc sau ăn 1-2 giờ, khi thức ăn đã tiêu hóa bớt; Không dùng nghệ cùng với thuốc tây. Bản chất tinh bột nghệ dễ bị vón cục nên có thể dùng nước nguội để hòa tan tinh bột nghệ trước rồi mới cho nước nóng, khuấy đều để bột tan hết. Tốt nhất nên sử dụng nghệ dưới dạng gia vị trong thực phẩm. Khi dùng sản phẩm chứa tinh bột nghệ được chế biến và đóng gói đúng nên theo liều lượng của nhà sản xuất hoặc bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn khuyên.