Thuế từ doanh thu mạng xã hội: Tưởng công khai nhưng... rất kín

(khoahocdoisong.vn) - Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Google… mang đến một nguồn thu khổng lồ từ quảng cáo, kinh doanh. Nếu truy thu thuế thu nhập và các loại thuế khác từ đây sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương. Nhưng câu hỏi đến giờ vẫn luôn là làm cách nào để thu?

Triệu phú trẻ, vấn đề già

Thông tin về việc Ngô Bá Khá (biệt danh Khá Bảnh) được chia doanh thu từ YouTube có tháng cao nhất lên tới gần 20.000 USD, tương đương 450 triệu đồng dường như khiến ngành thuế lúng túng. Bằng chứng là cơ quan này im lặng, không nhắc tới việc đã thu được bao nhiêu tiền từ thu nhập của Khá Bảnh.

Ngày càng có nhiều cách kiếm tiền từ mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Google… Theo khảo sát từ hãng truyền thông kỹ thuật số Defy Media, những người từ 13 - 24 tuổi xem trung bình 12,1 giờ video/tuần trên YouTube và mạng truyền thông xã hội. Đây cũng là độ tuổi sử dụng YouTube hàng đầu. Vì vậy, việc sản xuất và đăng nội dung lên YouTube trở thành trào lưu của giới trẻ. Các video càng nhiều người xem, tới một ngưỡng nhất định, sẽ được Google (quản lý YouTube) trả tiền, và càng nhiều người xem thì càng được trả nhiều tiền. Điều này đã tạo ra một nhóm nhỏ triệu phú ở độ tuổi 20, thậm chí còn trẻ hơn.

Một trong những người dùng YouTube (youtuber) đình đám nhất thế giới hiện nay là kênh PewDiePie, với tổng lượt xem gần 18,5 tỷ lượt. Chủ nhân của PewDiePie là Felix Arvid Ulf Kjellberg, 28 tuổi, người Thụy Điển. Theo Forbes, thu nhập của Kjellberg là 12 triệu USD trong năm 2017. Một cậu bé 6 tuổi mang tên Ryan cũng đã kiếm được 11 triệu USD vào năm 2017 khi khoe đồ chơi trên kênh Ryan ToysReview của cậu. Những youtuber này thậm chí còn vượt qua số lượt xem của những người nổi tiếng.

Ngoài YouTube, các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter, Instagram, Zalo... đang ngày càng phát huy sự tiện lợi trong kinh doanh và mang đến nguồn thu không nhỏ cho nhiều cá nhân, đơn vị. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế với các nhà mạng này và với các cá nhân kinh doanh hay có thu nhập từ các mạng xã hội nói chung, hay thu thuế từ những loại hình kinh doanh mới, thì từ xưa đên nay, vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia.

Theo Thời báo tài chính của Anh (Financial Times), Ủy ban châu Âu tính toán, nếu đưa các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Apple vào chịu “thuế kỹ thuật số” tính trên doanh thu, mỗi năm sẽ giúp EU thu về khoảng 5 tỷ EUR (130.000 tỷ đồng). Khoản tiền này dự kiến ở mức 3% - 5% doanh thu so với doanh thu quảng cáo do các công ty này điều hành. Ngoài ra, EU cũng sẽ thu thuế bán dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Theo bản dự thảo, mức thuế trên áp dụng với các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 750 triệu EUR và tổng doanh thu chịu thuế là 50 triệu EUR.

Truy thu lỗ mỗ, chờ...chặt hơn

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế cho biết, theo quy định mọi cá nhân tại Việt Nam phải kê khai thuế. Luật quản lý thuế của Việt Nam yêu cầu người có thu nhập từ mạng xã hội phải thực hiện các trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người có thu nhập, mã số thuế cá nhân; cung cấp tình hình kinh doanh cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Từ việc đăng ký hợp pháp, cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế.

Cục thuế TPHCM cho biết, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong nước được các trang mạng xã hội chi trả một khoản tiền lớn. Những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế, hoặc nộp thuế không đầy đủ. Tháng 8/2018, Cục thuế TPHCM đã ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng từ kinh doanh trên mạng trong hai năm 2016 và 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế. Người này viết chương trình trò chơi có lượt tải rất nhiều trên kênh Youtube, Facebook, Google và được trả 41 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã phải truy thu, phạt và tính tiền chậm nộp 4,1 tỷ đồng, trong đó gần 3 tỷ là truy thu, còn lại là tiền phạt và tiền chậm nộp.

Một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua Facebook cũng bị truy thu 9,1 tỷ đồng. Theo xác minh của ngành Thuế, tài khoản ngân hàng của người này (ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) có doanh thu trong 2 năm là gần 450 tỷ đồng. Người này chỉ thừa nhận một phần là doanh thu bán hàng, phần còn lại là tiền của cá nhân nhưng không đưa ra được bằng chứng. Khi hồ sơ chuyển qua công an để điều tra, cá nhân này mới thừa nhận toàn bộ số tiền trên có được là nhờ bán hàng qua Facebook và đồng ý kê khai thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế (VTCA) cho rằng, doanh thu bằng tiền mặt thông qua hoạt động bán hàng là không lớn và khó kiểm soát. Do vậy, cơ quan thuế chỉ cần tập trung, quan tâm đến các giao dịch qua ngân hàng. Chỉ cần làm việc với các ngân hàng, rà soát hóa đơn gửi/rút để nắm được những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh online, có giao dịch “khủng” đối chiếu để truy thu thuế.

Các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh (chứ không phải cá nhân nhận tiền lương, tiền công). Theo quy định hiện hành, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế. Số tiền nộp thuế theo quy định tại Thông tư số 92 của Bộ Tài chính. Những cá nhân có nguồn thu nhập từ mạng nước ngoài phải đóng mức thuế là 7% trên thu nhập (gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). Người dân có thể tới bất cứ Chi cục Thuế nào đang cư trú hoặc tạm trú để kê khai, nộp thuế.

Hiện, thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Mạng xã hội cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều cá nhân. Nhưng khoản thuế nộp cho cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Hiện Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 241/QĐ-TTg 2018 đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, cùng với việc triển khai các hình thức thanh toán qua di động, qua ví điện tử... các cá nhân, doanh nghiệp sẽ khó mà trốn thuế. Trước mắt, việc thu thuế còn nhiều hạn chế, nhưng với những đổi mới về chính phủ điện tử, về quản lý dữ liệu liên ngành... việc truy thu thuế trong tương lai không xa sẽ không phải chuyện khó thực hiện. Nhưng trước mắt thì vẫn...phải chờ.

ảnh: Khá Bảnh tự khai có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng từ Youtube.

Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế: Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Đồng thời theo Khoản 5 Điều 200 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017 trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 2 -7 năm.

Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Hội Luật sư TP HCM

Theo Đời sống
back to top