- Quả cam: Vị ngọt, tính hàn. Ăn cam tươi hoặc ép nước uống để chữa nắng nóng mệt mỏi, miệng khô khát.
- Sắn dây: Vị cay ngọt, tính mát. Bột sắn loại tốt pha nước uống để chữa đau đầu, chóng mặt, say nắng, mệt mỏi, cảm sốt về chiều.
- Nước dừa: Vị ngọt tính bình, không độc. Nước dừa tươi cho ít muối và chanh uống để chữa nắng nóng nhiều mồ hôi, mất nước, tăng huyết áp, đau đỉnh đầu, nóng bứt rứt khó ngủ.
- Nước mía: Vị ngọt mát. Nước mía vắt chanh uống ngày 2 - 3 ly để chữa nắng nóng hay đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, cảm sốt, ói khan và các chứng âm huyết hư, hỏa vượng nóng nảy, bứt rứt khó ngủ dùng đều tốt.
- Dưa hấu: Vị ngọt tính mát. Nên ăn tươi hoặc ép nước uống chữa nội nhiệt, đau đầu chóng mặt, ngoại cảm, nội thương nóng sốt dùng đều tốt.
- Actisô: Vị ngọt tính mát. Bông tươi phối hợp thịt vịt, thịt gia cầm nấu canh ăn chữa chứng âm hư, đau đầu chóng mặt, nổi mụn nhọt, đau họng, đau tức hông sườn và các chứng đau do huyết nhiệt ăn đều tốt.
- Đậu đen: Vị ngọt tính mát, nấu cháo, nấu chè, hầm ăn chữa chứng âm hư hỏa vượng, đau đầu chóng mặt, ù tai, khó ngủ, nóng sốt nhức mỏi đều tốt.
- Giá đậu xanh: Vị ngọt mát. Xay giá đậu ép nước uống hoặc ăn sống, nấu canh chua với cá, ngao sò… chữa chứng đau đầu chóng mặt, mệt mỏi, cảm sốt, ho đau họng, đau lưng, đau đầu, tiêu chảy do nhiệt dùng đều tốt.
- Rau má: Vị hơi đắng, tính mát. Rau má xay nước uống hay phối hợp với thịt vịt hoặc cá nấu canh ăn chữa đau đầu, chóng mặt, đau họng, ho khan, mụn nhọt, cảm nóng, sốt dùng đều tốt.
- Đậu xanh: Vị ngọt mát, dùng nấu cháo, nấu chè ăn. Chữa ngoại cảm nội thương, nóng sốt, đau đầu chóng mặt, mệt mỏi, mụn nhọt, miệng khô khát ăn đều tốt.
- Mướp đắng: Vị ngọt mát, dùng nấu canh hoặc xào ăn. Chữa đau đầu chóng mặt, mụn nhọt và các chứng nội nhiệt.
- Lá giang: Vị chua mát giải nhiệt. Lá giang nấu canh chua cá hoặc thịt gà, ngao, sò, hến đều hợp. Chữa chứng nội nhiệt khô khát, đau đầu, cảm cúm, nóng sốt, mệt mỏi dùng đều tốt.
Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)