BS Kim Lan, nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu T.Ư cho hay: Đông y cho rằng, cảm cúm còn gọi là thương phong. Cảm có hai loại là cảm nóng và cảm lạnh, cần phân biệt rõ để tiện điều trị thuốc cho phù hợp. Cảm lạnh là cảm không có mồ hôi, do gió lạnh, do nước mưa hay điều hòa quá lạnh gây đau đầu, chảy nước mũi, ho có đờm trắng, rêu lưỡi trắng mỏng. Còn cảm nóng thì người người nóng, có sốt, sợ lạnh, họng đỏ, đờm vàng và đặc, môi khô, hay khát nước, rêu lưỡi vàng dày.
Đồng quan điểm với BS Kim Lan, BS Kim Ngân, Phòng khám Đa khoa phố Vĩnh Hồ, Hà Nội chia sẻ về dinh dưỡng cho bệnh này có những món ăn sau:
*Cháo hành tía tô: Gạo nếp 50g, 7 nõn hành, tía tô 1 nắm nhỏ, gừng, hạt tiêu, gia vị vừa đủ. Cho gạo vào với lượng nước vừa đủ ninh cho nhừ thành cháo. Trước khi bắc ra cho hành và tía tô đã rửa sạch thái nhỏ, nêm gia vị vừa đủ ăn nóng, ăn xong nằm nghỉ ngơi, đắp chăn cho ra mồ hôi.
*Trứng gà hấp rượu: Rượu nho đỏ 30ml, trứng gà tươi 1 quả. Cho rượu vào đun sôi, trứng đánh tan rồi đổ vào rượu quấy đều, trứng chín ăn nóng, ngày ăn 1 quả. Món này bổ dưỡng cho cơ thể chóng khỏe mạnh, khu phong tán hàn làm cho tà khí trục ra ngoài.
* Nước trà xanh với gừng: Lá lá chè xanh rửa sạch vò nát đun sôi cho gừng vào uống thay trà cả ngày. Nước trà có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, lợi tiểu, ấm tỳ vị. Nếu không có chè, có thể thay bằng một số nước như: Nước củ cải với nõn hành: Củ cải trắng 250g, 7 nõn hành non. Ninh củ cải cho nhừ với nước cho thêm nõn hành vào uống nước này thay chè cả ngày.
*Ngậm trám mặn: Dùng quả trám trắng luộc lên bóc hạt, đem trám ngâm với nước mắm một ngày. Mỗi ngày lấy ra vài miếng trám mặn ngậm trong miệng có tác dụng sát trùng tại chỗ, hết ho, rất tốt cho bệnh cảm cúm.
Hằng ngày, để người bệnh nên súc miệng bằng nước muối, tránh ra gió, hạn chế sờ vào nước, có thể dùng dầu nóng xoa vào lòng bàn tay, chân.