Protein từ đậu đỗ tốt cho tim
Protein thực vật đặc biệt từ nguồn đậu đỗ có hiệu quả giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Protein động vật có liên quan với axit béo no và cholesterol là hai yếu tố gây tăng cholesterol máu và vữa xơ động mạch. Chế độ ăn nhiều protein (24% của năng lượng khẩu phần) bao gồm protein động vật và protein thực vật có tác dụng giảm nguy cơ của bệnh tim mạch.
Ở những nước tiêu thụ nhiều đậu tương thì tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn so với các nước tiêu thụ nhiều protein động vật. Những người ăn thực phẩm làm từ đậu tương chứa nhiều estrogen thực vật và isoflavon là giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và triglyceride. Để giảm các nguy cơ của bệnh tim mạch nên tiêu thụ ít nhất 25g đậu tương/ngày. Sản phẩm đậu tương chứa càng nhiều isoflavon thì tác dụng đến giảm nồng độ cholesterol càng cao, điều này khoẳng định rằng lợi ích lợi ích của đậu tương đối với tim là do isoflavon.
Vitamin, chất khoáng, nguyên tố vi lượng
Vitamin C, vitamin E và β-carotene là những chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh nhất giúp cơ thể con người chống lại các tác nhân oxy hóa, nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm như bệnh tim mạch, ung thư, đục thủy tinh thể, lão hóa,….Chế độ ăn nhiều chất chống oxy hóa có thể giảm tới 20-40% nguy cơ bệnh mạch vành.
Các thực phẩm thuộc nhóm này gồm:
Thức ăn giàu vitamin E: Giá đỗ, dầu thực vật.
Thức ăn giàu β-caroten: Cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, rau có màu xanh thẫm.
Thức ăn giàu vitamin A: Các loại rau quả nói chung.
Thức ăn giàu selen: Rau ngót, rau muống, cải bắp.
Một số thành phần đặc biệt của thức ăn có chất chống oxy hóa:
- Flavonoid: Một chất chống oxy hóa có trong các loại chè. Flavonoid làm mất tác dụng của các gốc tự do – phân tử có hoạt tính mạnh di chuyển khắp cơ thể gây ra các phản ứng hóa học có thể hủy hoại các tế bào, trong đó có tế bào mô tim. Các nghiên cứu cho thấy, uống từ 3-4 cốc nước chè/ngày, sẽ giảm được 58% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành.
+ Homocystein là chất chuyển hóa trung gian của axit amin methionine, tăng homocystein huyết tương được xem là yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành. Homocystein gây ra sự hủy hoại chất collagen – gây đông vón tiểu cầu, hoặc giảm chất đông antithrombin. Đối với phụ nữ khi tăng homocystein toàn phần lên 5 µmol/lít thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành là 1,8 lần. Nồng độ trung bình của homocystein huyết tương là 10 µmol/ml.
Thiếu vitamin B12 hoặc folat sinh ra tăng homocystein gấp 20 lần so với giới hạn trên của mức bình thường.
Việc bổ sung các vitamin nói trên dẫn tới giảm nồng độ homocystein. Viện Nghiên cứu y học của Hoa Kỳ khuyến cáo nhu cầu đề nghị cho người trưởng thành nên là: 400µg folat; 2,4µg B12 và 1,7mg B6/ngày để dự phòng bệnh mạch vành. Vì vậy nên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin hằng ngày.
ThS.BS.Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)