Thực phẩm tốt cho người bị ung thư dạ dày

(khoahocdoisong.vn) - Nguyên nhân phát bệnh ung thư dạ dày được cho là có liên quan mật thiết tới việc ăn uống không hợp lý. Do đó, việc thay đổi thói quen ăn không tốt, lựa chọn thực phẩm phù hợp rất có lợi cho bệnh nhân.

Nguyên nhân phát bệnh ung thư dạ dày được cho là có liên quan mật thiết tới việc ăn uống không hợp lý. Người ta thường cho rằng, những thực phẩm bị nhiễm nấm độc, có nhiều muối như cá, thịt ướp muối... có liên quan đến sự phát bệnh. Thiếu protein, ăn ít rau, trái cây tươi, ăn uống thất thường không đúng bữa cũng là nguyên nhân.

Do đó, việc thay đổi thói quen ăn uống không tốt rất có lợi cho việc phòng chống ung thư dạ dày. Người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, giàu chất xơ, vitamin và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều muối. Không sử dụng thuốc lá, bia, rượu và các chất kích thích. Tập luyện thể thao thường xuyên. Cần thăm khám sớm và điều trị triệt để các bệnh về dạ dày, các khối polyp, khối u lành tính trong dạ dày. Kiểm tra định kỳ và tầm soát ung thư hệ tiêu hóa sớm nếu gia đình có người bị bệnh lý khối u, ung thư tiêu hóa…

Điều trị bệnh ung thư dạ dày chủ yếu là phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật tùy theo tình trạng của từng người có những cách chăm sóc, điều trị khác nhau, thông thường dùng hóa liệu hoặc thuốc Đông y, còn thực liệu chủ yếu có tác dụng ngăn ngừa và phụ trợ điều trị.

Tỏi: Là một thực liệu rất tốt, có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư. Nó có công dụng khai vị, kiện tỳ, khử ứ, tiêu thũng, phá kiên, rất tốt với cơ thể. Có rất nhiều cách ăn tỏi, như làm tỏi giấm đường, tỏi nấu chín, tỏi đen... mỗi ngày ăn 2 - 3 tép, thơm và bùi. Lấy dưa leo rửa sạch thái miếng nhỏ, trộn với một ít tỏi giã nhuyễn, cho vào ít muối bột ngọt, ăn rất tươi ngon và có giá trị dinh dưỡng. Ăn lá tỏi cũng rất tốt.

Cà chua: Bệnh nhân ung thư dạ dày ăn cà chua sống cũng rất tốt. Lấy cà chua rửa sạch, ăn sống có thể dùng làm trái cây. Cà chua thái lát, rắc lên một ít muối ăn cùng với cơm cũng có hương vị riêng. Cà chua có công dụng ích vị, trợ giúp quá trình tiêu hóa, giàu vitamin. Trong công trình nghiên cứu mới đây cho biết, một số thành phần chứa trong cà chua như lycopene, có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư.

Cháo thạch hộc: Trong thời kỳ phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật ung thư dạ dày, nếu có triệu chứng lưỡi đỏ, miệng khô, sợ nóng, lấy 50 – 100g thạch hộc, sắc lấy nước cho vào nấu cháo gạo ăn. Nếu bị ra nhiều mồ hôi, sốt nhẹ, nấu cháo gạo nếp, có thể cho thêm hạt sen... vào nấu cùng, khi ăn cho vào một ít đường phèn, rất thích hợp với người đi đại tiện phân lỏng. Nếu sợ lạnh, số lần đi đại tiện nhiều, lưỡi nhạt, có thể lấy 5g gừng khô, thái lát mỏng, cho vào nấu cùng với cháo, dùng thường xuyên rất có hiệu quả.

Trứng muối: Có thể dùng làm thức ăn hoặc khi nấu cháo chín, lấy trứng muối thái lát, rồi cho vào nồi cháo, đun sôi thêm một lúc là ăn được. Ăn khoảng 1 tháng.

Bo bo: Lấy 50 – 100g hạt bo bo, trộn với gạo, nấu thành cháo hoặc cơm ăn.

Củ ấu: Củ ấu già lấy cả vỏ khoảng 10 củ, nấu lấy nước, lấy nước này nấu cháo hoặc cơm ăn.

Rau cải bắp: Rửa sạch, cho vào nước sôi để nguội, ngâm, để ráo hết nước rồi ép lấu nước, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần khoảng 20ml. Rất thích hợp với bệnh nhân ung thư dạ dày và đau dạ dày.

Cà rốt + khoai lang: Cà rốt rửa sạch thái con cờ, rau cải bắp rửa sạch thái miếng, lấy 5 tép tỏi thái con cờ nhỏ, trộn đều với nhau, cho vào một ít muối, bột ngọt, trộn với tương cà chua, làm thức ăn. Hoặc có thể lấy khoai lang luộc chín để nguội, bóc vỏ, thái miệng, trộn đều, có thể dùng làm món điểm tâm hay ăn thay cơm, cháo cũng tốt.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top