Thực phẩm phòng ngừa suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi của người bệnh. Hiện chưa có cách chữa trị mất trí nhớ nhưng vẫn có một số phương pháp giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Nhiều nguyên nhân, bệnh lý gây suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ (hay bệnh suy giảm trí nhớ, hội chứng suy giảm trí nhớ) là tình trạng bệnh lý khi một người gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc dần quên đi các thông tin đã biết trước đây. Đây là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng y tế hoặc tâm lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, đột quỵ, stress, trầm cảm hoặc chứng mất ngủ...

Có nhiều loại suy giảm trí nhớ, từ những loại nhẹ như lơ đãng cho đến bệnh suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, có thể khiến người bệnh mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Nói cách khác, suy giảm trí nhớ có thể là tình trạng tạm thời và cải thiện được. Nhưng cũng có trường hợp suy giảm trí nhớ kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hội chứng suy giảm trí nhớ có thể biểu hiện bằng những dấu hiệu khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:

Quên thông tin mới hoặc vừa biết cách đó không lâu: Đây có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của suy giảm trí nhớ. Người bị suy giảm trí nhớ thường quên các cuộc hội thoại, sự kiện hoặc địa điểm họ vừa mới tìm hiểu.

Khó khăn trong việc làm theo hướng dẫn hoặc lập kế hoạch, giải quyết vấn đề: Suy giảm trí nhớ có thể làm giảm khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề của người bệnh. Do đó, những người bị suy giảm trí nhớ có thể thấy khó khăn khi cố gắng làm theo một chỉ dẫn nào đó, chẳng hạn như nấu ăn theo công thức được hướng dẫn sẵn.

Mất khả năng thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc: Một biểu hiện của người bị suy giảm trí nhớ là gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc hàng ngày, chẳng hạn như nấu ăn, làm việc nhà hoặc lái xe đến một địa điểm quen thuộc.

Mất định hướng về thời gian hoặc không gian: Người bị suy giảm trí nhớ có thể quên mất ngày trong tuần, năm, thậm chí là mùa. Người bệnh cũng có thể cảm thấy bối rối về việc họ đang ở đâu/làm gì.

Không nhớ đồ đạc để ở đâu: Một người bị suy giảm trí nhớ có thể đặt vật dụng cá nhân ở những nơi không thích hợp, chẳng hạn như đặt chìa khóa xe trong tủ lạnh và sau đó không nhớ để tìm lại.

Thay đổi tính cách, cảm xúc và hành vi: Triệu chứng suy giảm trí nhớ có thể là sự thay đổi về tính cách, cảm xúc và hành vi, chẳng hạn như người bệnh dễ cảm thấy buồn, sợ hoặc lo lắng hơn bình thường. Người bệnh cũng có thể trở nên nhanh chóng bực dọc hoặc dễ bị kích động.

Người bị suy giảm trí nhớ có thể quên các cuộc hội thoại, sự kiện hoặc địa điểm vừa mới tìm hiểu

Tuổi tác và bệnh tật là hai yếu tố nguy cơ phổ biến có thể góp phần làm giảm khả năng ghi nhớ. Ngoài ra còn do: Tác động của gốc tự do trong quá trình chuyển hóa; Trầm cảm và stress; Rối loạn giấc ngủ; Công việc quá tải; Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt; Mất cân bằng nội tiết tố; Sử dụng chất kích thích...

Thực phẩm tăng cường suy giảm trí nhớ - Ảnh minh họa

Thực phẩm tăng cường suy giảm trí nhớ - Ảnh minh họa

Phòng ngừa suy giảm trí nhớ, bổ sung thực phẩm gì?

Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ hiệu quả, người bệnh không nên ăn quá nhiều những thực phẩm có thể tăng nguy cơ gây viêm như thịt đỏ, đồ ngọt và đồ uống có đường. Tránh thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, muối, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, chiên và thức ăn nhanh, rượu bia.

Nên ưu tiên các loại thực phẩm:

Ngũ cốc nguyên hạt và vitamin: Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, vitamin B và các chất dinh dưỡng khác có thể làm giảm viêm trong não, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ. Lúa mạch, gạo lứt và yến mạch là những lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho các loại ngũ cốc chế biến như bột mì trắng.

Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) góp phần điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, từ đó cải thiện trí nhớ, mất ngủ, đau đầu.

Omega 3: Cá như cá ngừ, cá hồi, giàu axit béo omega-3, có liên quan đến sức khỏe não bộ tốt và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức. Mỗi người ăn hai đến ba lần cá mỗi tuần có thể đủ để cung cấp cho não đầy đủ chất dinh dưỡng, chống lại chứng suy giảm trí nhớ.

Chất chống oxy hóa: Quả mọng chứa lượng đường thấp, giàu chất chống oxy hóa và flavonoid, với tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào, có thể ngăn chặn sự tiến triển của tổn thương não do các gốc tự do. Quả việt quất, mâm xôi đen đều cung cấp nhiều chất dinh dưỡng này.

Các loại hạt, cây họ đậu chứa chất chống oxy hóa và axit béo omega-3, vitamin E, vitamin B, choline, magie, kẽm.

Chúng thúc đẩy sức khỏe não bộ và làm giảm tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác. Quả óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, đậu nành, đậu lăng, hạt lanh và hạt bí ngô đều là những lựa chọn tốt để bổ sung vào chế độ ăn uống.

Rau quả nhiều màu sắc có hàm lượng carotenoid, tức là dạng sắc tố hữu cơ tự nhiên trong thực vật và các loài sinh vật quang hợp cao. Carotenoid là sắc tố tạo nên màu cam và đỏ của rau củ quả có lợi cho sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ mắc chứng mất trí.

Thực phẩm giàu carotenoid bao gồm cà rốt, bí, khoai lang, ớt chuông, cà chua, đu đủ, mơ và rau lá xanh như rau bina, cải xoăn..., người bệnh suy giảm trí nhớ nên ăn.

BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)

Theo Đời sống
back to top