Thực phẩm có khả năng gây ngộ độc, đặc biệt cẩn trọng

Việc chế biến và tiêu thụ các thực phẩm dễ gây ngộ độc không đúng cách có thể dẫn đến ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng gây chết người có liên quan đến chất độc Xyanua khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Xyanua là một hóa chất cực mạnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng kể cả ở nhiều dạng hợp chất khác nhau. Xyanua có thể tồn tại ở thể khí không màu như hydro xyanua (HCN), xyanua clorua (CNCl) hoặc dạng tinh thể như kali xyanua (KCN), natri xyanua (NaCN).

Về mùi vị, Xyanua được mô tả là có mùi giống như "hạnh nhân đắng", nhưng đôi khi là không mùi, do đó rất khó có thể phân biệt được Xyanua với các hóa chất khác.

Điều đặc biệt nguy hiểm là Xyanua có thể được tìm thấy trong tự nhiên từ các thực phẩm như sắn (khoai mỳ), hạnh nhân, đậu lima chưa được sơ chế kỹ, hay có trong hạt trái cây như đào, táo, mơ.

Trong sản xuất, Xyanua có trong nhiều nguồn độc khác nhau như đám khói cháy, nhất là cháy vật dụng như len, tơ tằm, cao su tổng hợp, các chất polyurethane từ nhựa dẻo, sơn, keo, chất chống thấm, cách âm, nệm. Hóa chất từ phòng thí nghiệm hay sản xuất công nghiệp như luyện kim, chụp rửa ảnh, làm nữ trang hay đồ nhựa, khai thác mỏ, chất thải... cũng có thể sinh ra xyanua.

Dưới đây là một số thực phẩm có khả năng gây ngộ độc xyanua mà bạn nên đặc biệt cẩn trọng:

Sắn

Sắn có chứa một loại độc tố gọi là linamarin. Khi ăn sống sắn, hệ tiêu hóa của con người chuyển đổi chất độc này thành xyanua, có thể gây tử vong. Hàm lượng xyanua của sắn thay đổi trong khoảng 75-350 ppm, nhưng cũng có thể lên tới 1.000 ppm từ thuộc vào giống, tuổi cây, điều kiện đất, cách bón phân, thời tiết và một số yếu tố khác.

Nhưng về cơ bản, rễ hay củ sắn chứa ít xyanua hơn là và thân. Rễ sắn có hàm lượng xyanua khoảng 10-500 mg/kg khô. Lá sắn chứa 53-1.300 mg/kg khô. Tốt nhất hãy ăn sắn đã được nấu chín, loại bỏ vỏ sắn và lõi sắn khi ăn, đặc biệt không ăn sắn khi đói.

Măng

Xyanua là chất gây độc trong măng. Mặc dù hiện nay ngộ độc do xyanua trong măng là rất hiếm do trước khi ăn, măng đã trải qua rất nhiều quá trình luộc nhiều lần và rửa sạch nhưng vẫn cần phải lưu ý. Nhưng đối với măng chua, trong quá trình ngâm, chất xyanua có thể kết hợp với một số enzyme trong ruột gây ngộ độc cấp tính.

Hạt táo

Hạt táo có chứa amygdalin, một chất khi tiếp xúc với axit dạ dày sẽ giải phóng xyanua, một chất cực độc. Ăn một lượng nhỏ hạt táo có thể gây mệt mỏi, co giật, chóng mặt, buồn nôn hoặc bất tỉnh. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tử vong.

Mặc dù vậy, hạt táo được bao bọc bởi một lớp vỏ bảo vệ, ngăn chặn xyanua giải phóng vào cơ thể nên nếu vô tình nuốt phải vài hạt sẽ không gây hại. Song, với trường hợp ăn khoảng 20-25 hạt đã nhai kỹ có thể gây ngộ độc xyanua, ảnh hưởng đến não bộ, hệ tuần hoàn và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hạt hạnh nhân

Amygdalin trong hạnh nhân đắng chuyển thành hydro xyanua độc hại trong cơ thể và làm chậm hệ thần kinh và gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp. Hạnh nhân ngọt (Prunus dulcis), là loại hạnh nhân thường được ăn, không chứa các chất độc này. Theo Healthline, chỉ cần nuốt từ 6 - 10 hạt hạnh nhân đắng sống là đủ để bị ngộ độc mức độ trung bình và 50 hạt có thể gây tử vong.

Quả cơm cháy

Cơm cháy là một loài thực vật có hoa thuộc họ Adoxaceae. Quả cơm cháy có chứa chất chống oxy hóa và được chứng minh có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, chống lại bệnh cúm và tăng cường hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên khi ăn quả cơm cháy chưa chín có thể khiến bạn bị ngộ độc cả lectin và xyanua khi ăn quá nhiều dẫn tới buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Theo Đời sống
back to top