Bệnh suy giáp rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Bệnh có thể gây hạ canxi máu, ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cơ thể. Để điều trị suy giáp phải sử dụng thuốc, tuy nhiên dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Trường hợp bệnh nhân đã cắt hết tuyến giáp thì uống hormone tuyến giáp thay thế là quan trọng nhất nhưng vẫn phải lưu ý cách ăn uống, nhất là những thức ăn làm giảm hấp thu hormon, ăn uống cân đối dựa theo cân nặng và các bệnh kèm theo như đái tháo đường, mỡ máu, cao huyết áp..., tránh ăn quá nhiều hoặc kiêng quá kỹ.
Ăn uống kiểm soát suy giáp
Suy giáp thường dẫn đến tăng cân vì nó có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của người bệnh, do đó, một người bị suy giáp nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa tăng cân. Một số chất người suy giáp cần như iốt. Cơ thể cần iốt để sản xuất hormon tuyến giáp nhưng không thể tạo ra iốt, vì vậy phải lấy iốt từ thực phẩm. Iốt có nhiều trong phô mai, sữa, kem, muối ăn iốt, cá nước mặn, rong biển, trứng. Thiếu iốt không tốt cho người mắc bệnh tuyến giáp nói chung, có thể gây ra phì đại tuyến giáp, được gọi là bướu cổ đơn thuần. Tuy nhiên, mọi người nên tránh tiêu thụ một lượng lớn iốt vì dư thừa có thể làm trầm trọng thêm bệnh suy giáp và cường giáp.
Selen là một vi chất dinh dưỡng có vai trò trong việc sản xuất hormon tuyến giáp và có hoạt động chống oxy hóa. Các mô tuyến giáp tự nhiên đều chứa selen. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Nội tiết Quốc tế cho thấy, việc duy trì nồng độ selen trong cơ thể giúp con người tránh được bệnh tuyến giáp và tăng cường sức khỏe tổng thể. Thực phẩm giàu selen bao gồm quả hạch, cá ngừ, tôm, thịt bò, gà tây, thịt gà, giăm bông, trứng, cháo bột yến mạch, bánh mì.
Kẽm là một vi chất chất dinh dưỡng có tác dụng tốt đối với hormon tuyến giáp. Một nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy, bổ sung kẽm, cả đơn độc hoặc kết hợp với selen đều làm tăng đáng kể lượng hormon tuyến giáp được gọi là T3 và T4. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, thịt bò, cua, ngũ cốc dinh dưỡng, thịt heo, thịt gà, cây họ đậu, hạt bí ngô, sữa chua.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, đậu nành có thể can thiệp vào quá trình cơ thể sản xuất hormon tuyến giáp. Trong một nghiên cứu của Mỹ, một phụ nữ bị suy giáp nặng sau khi uống một lượng lớn đậu nành trong 6 tháng đã cải thiện được tình trạng bệnh trong khi đã ngừng uống thuốc thay thế hormon tuyến giáp. Vì vậy người bị suy giáp được khuyên nên bổ sung sữa đậu nành, đậu hũ, khi nấu ăn có thể nêm thêm xì dầu.
Những thực phẩm nên tránh
Một số thực phẩm khi ăn vào có thể làm cho bệnh suy giáp trầm trọng, vì vậy nên hạn chế tiêu thụ. Người ta thấy thực phẩm chứa goitrogens có khả năng làm giảm sản xuất hormon tuyến giáp nên cần phải tránh. Goitrogens thường có trong bắp cải, cải xoăn, bông cải xanh, súp lơ. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, goitrogens chỉ ảnh hưởng đến nội tiết tố của một người khi họ tiêu thụ quá mức. Ngoài ra, quá trình nấu ăn dường như làm mất tác dụng của goitrogen.
Khi bị suy giáp nên tránh các thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh, xúc xích, bánh rán, bánh quy, đây là những thực phẩm chứa nhiều calo và ít dinh dưỡng. Những thực phẩm này khiến người bệnh tăng cân rất nhanh.
Suy giáp có thể có liên quan đến rối loạn tự miễn tiềm ẩn, vì vậy mọi người có thể có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn khác, bao gồm cả bệnh celiac. Bệnh celiac gây viêm mãn tính và tổn thương ruột non do ăn gluten. Gluten là một loại protein trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác, bao gồm lúa mạch, yến mạch và lúa mạch đen. Điều trị bệnh celiac liên quan đến chế độ ăn không có gluten. Những người bị suy giáp liên quan đến tự miễn dịch nên cần cắt gluten ra khỏi chế độ ăn uống của mình để xem các triệu chứng bệnh có cải thiện không.
Các loại thuốc và chất bổ sung sau đây có thể cản trở sự hấp thụ hormon tuyến giáp. Nếu phải uống những thuốc này thì phải uống sau hormon giáp tối thiểu 4 tiếng: Thuốc kháng axit hoặc giảm axit, canxi, sắt, thực phẩm giàu chất xơ, giàu Iốt, thực phẩm làm từ đậu nành.
ThS.BS Mai Văn Sâm (ĐH Y HN)