Cơm nguội – “thần dược” giảm béo
Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản, thành phần tinh bột có trong cơm nóng khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích hệ tiêu hóa nên quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất diễn ra nhanh hơn.
Còn đối với cơm nóng trong quá trình để nguội sẽ sản sinh ra kháng tinh bột rất tốt, nên nó sẽ kìm hãm sự hoạt động của cơ quan tiêu hóa giúp quá trình tiêu hóa chậm hơn, khiến người dùng có cảm giác no lâu, khống chế sự thèm ăn.
Không chỉ vậy, nó còn giúp cơ thể chuyển hóa chất béo thành nhiên liệu cung cấp cho các hoạt động chứ không phải lưu trữ nó trong các tế bào mỡ.
Mặt khác, khi ăn cơm nguội, cơ thể sẽ sản sinh một lượng nhiệt để làm ấm thức ăn. Do đó, theo lý thuyết này, cơm nguội nói riêng và đồ ăn nguội nói chung cũng có thể làm tiêu hao lượng mỡ. Vì vậy, cơm nguội được coi là một “thần dược” giảm béo ở Nhật.
Một số thực đơn bằng cơm nguội phổ biến như cơm nguội, đậu phụ, đậu bắp, trà gạo, đậu phụ, thịt lợn, vừng trắng. Cơm nguội, mướp đắng, thịt lợn, mè trắng. Cơm nguội hỗn hợp gồm thịt xông khói, cà tím, cà chua, dầu oliu. Tất cả các thực đơn này đều có khâu trần cơm nguội qua nước lạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa gạo lắc đầu ngao ngán với phương pháp giảm béo này: “Ăn cơm nguội đã khó nuốt, lại còn trần qua nước lạnh nữa thì đúng là cực kỳ khó ăn, ăn nó mà như tra tấn. Nếu chỉ cần một chất choán dạ dày để tạo cảm giác no thì đâu cứ phải cơm nguội mới giảm được béo.
Các loại rau, quả rất nhiều vitamin, sinh tố, vi lượng, đều có thể sử dụng được, sao lại phải chọn cơm nguội. Cơm nguội se không còn vitamin gì mà chỉ còn lại tinh bột. Ở nhiệt độ thấp, khi vào cơ thể, lượng tinh bột này sẽ rất khó tiêu hóa. Ăn vào sẽ đầy bụng, ấm ách cả ngày, rất không nên”.
Theo PGS.TS nguyễn Văn Hoan, về nguyên tắc thì việc ăn đồ lạnh vào có thể sẽ đốt nhiều năng lượng hơn, nhưng hại nhiều hơn lợi. Cơm nguội không thể có chất kháng tinh bột vì bản thân nó chỉ còn lại toàn là tinh bột. Trước tiên là người ăn sẽ không có cảm giác ngon, sau đó dạ dày phải làm việc nhiều hơn.
Nguy hại
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho rằng, việc ăn cơm nguội và các món nguội nhiều sẽ gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa, dễ dẫn đến tình trạng đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu. Đặc biệt, nó rất có hại đối với những người bị đau dạ dày hoặc viêm, loét dạ dày.
Việc đưa cơm nguội vào thực đơn hàng ngày không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Chẳng hạn như bữa ăn của bạn có quá nhiều chất bổ dưỡng như thịt, cá… thì khả năng tăng cân vẫn có thể diễn ra. Ngược lại, nếu chỉ sử dụng cơm nguội để giảm cân mà không ăn các thực phẩm khác, cơ thể có thể bị rơi vào tình trạng suy giảm sức khỏe do thiếu đi các chất thiết yếu.
“Cơm nguội không có tác dụng giảm béo vì nó vẫn chứa một lượng lớn tinh bột. Trong khi đó nguyên tắc của giảm cân là phải hạn chế tinh bột. Nếu muốn giảm cân thì nên chọn thực phẩm khác ít năng lượng, tinh bột, đường, mà chỉ có chất xơ, vitamin và khoáng chất, như thế sẽ tốt cho cơ thể hơn nhiều việc lựa chọn cơm nguội. Hơn nữa cơm nguội không được bảo quản đúng cách rất dễ bị vi sinh vật, vi khuẩn xâm nhập”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.
Cơm nguội để trên 6 giờ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, sản sinh ra các loại độc tố cực có hại cho đường tiêu hóa. Nếu cơm không được bảo quản tốt, các vi khuẩn trong không khí cũng tập trung lại đây sẽ khiến người ăn vào mắc phải một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, chóng mặt, đau đầu…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, do chỉ còn tinh bột, nếu quá lạm dụng cơm nguội trong bữa ăn hàng ngày, tinh bột vẫn sẽ được đưa vào cơ thể cùng với các chất dinh dưỡng khác. Vì vậy, khả năng giảm cân của kháng tinh bột bị hạn chế, thậm chí, nếu ăn quá nhiều còn có thể dẫn đến tăng cân.
Bảo Khánh