Viêm dạ dày ở trẻ thường do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)- một trong số ít những loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong niêm mạc dạ dày. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP gây ra nhiều vấn đề về cho hệ tiêu hóa, trong đó có viêm dạ dày. Ở một số trẻ do sử dụng thuốc điều trị bệnh không phù hợp dẫn tới viêm loét dạ dày. Nhiều trẻ do ăn uống không khoa học, ăn thực phẩm chua, cay quá, ăn thực phẩm có ga trong một thời gian dài, phần niêm mạc dạ dày dễ bị viêm và gây bệnh. Đối với trẻ lớn, viêm đau dạ dày còn do stress, căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đường tiêu hóa. Để phòng và trị bệnh, ngoài thuốc sử dụng theo đơn, tùy theo biểu hiện bệnh mà có cách trị khác nhau.
Nếu đau thượng vị cảm giác nóng rát, ăn mát dễ chịu: Nên ăn vị bổ mát dễ tiêu như bắp cải, khoai tây, bí đau, xà lách, súp lơ, bí xanh, rau má, bí đao, mộc nhĩ. Uống nước bột sắn dây, nước mía, sinh tố trái cây tươi. Nếu người gầy nên ăn bổ mát dễ tiêu như bao tử heo hầm đậu xanh cho thêm gia vị, hành, mắm muối vừa đủ, ăn tuần vài lần.
Nếu ăn lạnh đau tăng, ăn ấm dễ chịu dùng phép ôn bổ tỳ vị: Mới bị đau tốt nhất nên uống nước có vị ấm như nước gừng, trà gừng hoặc nhục quế, sa nhân mỗi vị 5- 10g pha nước ấm uống. Nên ăn các món cháo, canh, súp nấu từ thịt, cá hoặc rau củ quả đều cho thêm vị gừng, hành, tiêu để tăng thêm tính ôn ấm khử bớt hàn lạnh. Nếu người ốm ăn ôn bổ dưỡng tỳ vị như bao tử heo nấu cháo cho thêm gia vị hành, tiêu, gừng.
Nếu đau thượng vị mỗi khi căng thẳng, ăn ngủ kém: Nên ăn vị bổ tâm tỳ dễ ngủ. Tốt nhất nên ăn bao tử heo hầm với hạt sen, táo đỏ; xương heo nấu canh củ sen; rau nhút nấu canh xương heo; bí đỏ hầm đậu phộng. Nếu bụng đầy chậm tiêu nên ăn lá mơ lông, rau tía tô, mùi, húng quế, tỏi, nghệ…uống lá vối, ăn vỏ quít.
Người bị đau dạ dày nên ăn bánh quy, bánh bông lan. Nên ưu tiên cháo, súp, cơm mềm, thịt nạc, trứng, sữa. Cần kiêng các món kích thích tăng tiết axit dịch vị như lạp xưởng, khô mực, dăm bông, các loại món ăn quá chua như cam, chanh, xoài, me…
BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (Vũng Tàu)