Thức ăn chống stress cho thủy sản từ đậu nành

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà nghiên cứu đã nghiền mịn khô đậu nành và cho lên men bán rắn bằng chủng Bacillus subtilis B3 được phân lập từ hệ tiêu hóa của tôm, ở nhiệt độ 37 độ C, độ ẩm 50%, pH 6,5 trong thời gian từ 48 - 72 giờ.

ThS Nguyễn Thành Trung, Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2), cho biết các nhà nghiên cứu đã nghiền mịn khô đậu nành và cho lên men bán rắn bằng chủng Bacillus subtilis B3 được phân lập từ hệ tiêu hóa của tôm, ở nhiệt độ 37 độ C, độ ẩm 50%, pH 6,5 trong thời gian từ 48 - 72 giờ. Sản phẩm sau khi lên men được sấy khô và tiệt trùng, đồng thời loại bỏ được các chất kháng protein, kháng dinh dưỡng và dễ hấp thu. Hàm lượng protein thô tăng hơn 14%, hàm lượng axit amin tăng hơn 18% so với ban đầu.

Khi đem sản phẩm ra thử nghiệm thực tế cho thấy, về khả năng tiêu hóa, độ tiêu hóa của thức ăn chứa khô đậu nành lên men đạt 73,1%, tiêu hóa protein đạt 84,9%, cao hơn thức ăn đối chứng trên 10%. Về khả năng tăng trưởng, có thể thay thế đến 60% bột cá bằng đậu nành lên men mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng và hệ số tiêu thụ thức ăn. Ngoài ra, để hỗ trợ sức kháng bệnh, khả năng chịu stress của thủy sản, các chủng vi sinh vật có lợi thường được bổ sung vào thức ăn. Chủng vi khuẩn này được lên men ở nhiệt độ tối ưu 37 độ C và pH 6, xử lý nhiệt tại nhiệt độ 80 độ C. Sau đó làm lạnh tại nhiệt độ 15 - 20 độ C, ly tâm để nâng cao nồng độ LP-XLN. Sau đó sấy lạnh khoảng 24 giờ và đóng gói, bảo quản ở nhiệt độ phòng. Thử nghiệm chế phẩm LP-XLN cho thấy, tỷ lệ sống và tăng cường miễn dịch tôm thẻ chân trắng tăng cao, có khả năng kháng bệnh và gia tăng khả năng chịu stress đối với môi trường nuôi.

Theo Đời sống
back to top