<p>Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng thì hiện tại nhiều hạng mục của công trình đã hư hỏng, xuống cấp… rất cần được sửa chữa.</p> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="Đập Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/13/thaolong-1(3).jpg" /> <figcaption>Đập Thảo Long là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á</figcaption> </figure> </div> <p> </p> <p><span><span><span><span><span><span>Theo tìm hiểu, đập Thảo Long (thuộc xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2006, với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng. Đây được xem là công trình lớn nhất Đông Nam Á, xây dựng lần đầu tiên tại khu vực cửa sông, trên nền đất yếu với nhiều hạng mục hiện đại như 1 âu thuyền, 15 cửa van, khẩu độ 3,5 m/cửa, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền qua lại…</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Công trình chính thức bàn giao Công ty TNHHNN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế quản lý vào tháng 12/2008. Từ khi đưa vào sử dụng, công trình đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo nguồn nước để phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp cho các huyện Phú Vang, Phong Điền, TX. Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế. Thế nhưng, hiện nay nhiều hạng mục của nơi đây đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Mục sở thị tại đập Thảo Long, nhận thấy hầu hết các cửa van đều bị rỉ rét, xuống cấp. Các thiết bị cơ khí trên công trình đều bị thủng, ô xy hóa. Ngoài ra, hệ thống điện lưới phục vụ vận hành theo thời gian cũng bị xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu sử dụng.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Bên cạnh đó, các hạng mục thiết bị liên kết dưới nước qua quá trình vận hành bị trôi, hoặc hư hỏng. Các thiết bị xi lanh thủy lực nằm phía môi trường nước mặn bị ô xi hóa, xuống cấp không thể xử lý triệt để. Đối với phần thủy công, dầm đáy bằng bê tông tại một số cửa phục vụ ngăn mặn giữ ngọt cũng bị xói mòn, khi có sự chênh lệch nguồn nước giữa hạ lưu sẽ bị rò rỉ nước mặn và thất thoát nguồn nước ngọt. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Tại các công trình nhà điều hành trạm, các phòng chức năng, hệ thống điện, nước cũng bị xuống cấp do sử dụng trong thời gian dài.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Nhiều người dân lo lắng, nếu không sớm triển khai sửa chữa, sẽ xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến nguồn nước canh tác nông nghiệp của bà con nhân dân. “Đây là một công trình rất quan trọng, nếu không có biện pháp nâng cấp, sửa chữa kịp thời thì nguy cơ xâm nhập mặn sẽ khó tránh khỏi. Nếu nước mặn xâm nhập thì hàng nghìn hecta đất nông nghiệp trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn…” - ông Trần Văn Khê (trú xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) lo lắng nói.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Công ty TNHHNN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, trước thực trạng nêu trên, đơn vị đã hết sức cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, việc yêu cầu sửa chữa trong thời gian đến là hết sức cần thiết; khi công trình này hư hỏng thì hậu quả rất là lớn, ảnh hưởng đến trên 10.000ha lúa ở thượng lưu, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.</span></span></span></span></span></span></p> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi kiểm tra thực tế tại công trình đập Thảo Long" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/13/thaolong-4(1).jpg" /> <figcaption>Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi kiểm tra thực tế tại công trình đập Thảo Long</figcaption> </figure> </div> <p><span><span><span><span><span><span>Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, công trình đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long là một công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiệm vụ chính là ngăn mặn, giữ ngọt cho hệ thống sông Hương, sông Bồ, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch ở sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Tuy nhiên, hiện công trình đã được đưa vào sử dụng gần 13 năm, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, công trình không được thiết kế cửa van dự phòng, do vậy nếu sự cố hư hỏng cửa van xảy ra không đóng hoặc mở được thì gây ra hậu quả rất lớn như: mặn xâm nhập, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh trong mùa khô. Gây ra sự cố công trình liên quan như ngập úng, vỡ đê bao nội đồng các vùng tiêu phía thượng lưu trong mùa lũ…</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Vừa qua, Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi do ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại công trình đập Thảo Long. Ông Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá cao công tác tổ chức quản lý, khai thác công trình rất hiệu quả của chính quyền địa phương và khẳng định, công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long là một công trình có vị trí rất quan trọng đối với địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội…</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>“Tuy nhiên đến nay công trình đã bộc lộ một số tồn tại, cần phải tiếp tục đầu tư để nâng cấp sửa chữa. Chính quyền địa phương nên tổ chức đánh giá lại hiệu quả đầu tư cũng như xác định một số vị trí hạng mục công trình đã hư hỏng, xuống cấp để có giải pháp tổ chức đầu tư xây dựng, bố trí kinh phí phù hợp trong từng giai đoạn. Đồng thời tiếp tục đầu tư, nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, khai thác công trình hiệu quả trong thời gian tới…”- ông Tình đề nghị.</span></span></span></span></span></span></p>