Thừa cân khi nhỏ sinh nhiều bệnh tật khi trưởng thành

(khoahocdoisong.vn) - Vận động và luyện tập thể thao thường xuyên rất quan trọng và cần thiết vì không chỉ giúp trẻ phát triển hệ cơ xương, tăng cường sức khỏe, thể lực mà còn giúp tiêu hao năng lượng dư thừa.

Hiện nay nhiều trẻ em có thói quen thích ngồi một chỗ chơi game, chat, thích xem tivi, xem phim hoặc do tình trạng học thêm quá nhiều  nên dễ dẫn đến thừa cân. Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cho biết, những bé trai thừa cân tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng sau này. Trong nghiên cứu này người ta đã xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 61.000 nam giới ở Đan Mạch sinh trong khoảng từ năm 1939 đến 1959. Trong thời gian theo dõi trung bình 25 năm, hơn 700 người trong số đó bị ung thư đại  tràng khi trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, nam giới thừa cân khi lên 7 tuổi và vẫn tiếp tục thừa cân khi đến tuổi trưởng thành có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao gấp 2 lần so với những người luôn duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư đại tràng không tăng ở những nam giới thừa cân khi nhỏ nhưng sau đó giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý khi trưởng thành.

Đối với trẻ em, ngoài việc lười vận động, hiện nay nhiều gia đình gia sức tẩm bổ cho con, sợ con học căng thẳng, không đủ dinh dưỡng cho cơ thể nên bồi dưỡng con bằng các loại thịt, cá, trứng nhưng lại ít khuyến khích con luyện tập là những nguyên nhân tạo thói quen ăn nhiều thịt từ bé, gây nguy cơ ung thư ruột, đại tràng sau này.

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Trưởng phòng Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu xanh, đậu nành... đóng vai trò là nguyên liệu xây dựng tế bào cơ thể, các cơ, xương, răng, điều hòa hoạt động cơ thể, tạo kháng thể giúp chống đỡ bệnh tật, vận chuyển dưỡng chất nhưng chất đạm chỉ nên chiếm 14 - 16% tổng năng lượng khẩu phần ăn. Việc dư thừa đạm trong chế độ ăn của trẻ ngoài những tác hại kể trên còn có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì và đái tháo đường khi lớn lên. Khi ăn đạm cũng phải ăn đa dạng thực phẩm, cân đối đạm động vật và thực vật. Đồng thời, nên ăn xen kẽ các loại thịt vào mỗi bữa, mỗi ngày (ăn khoảng 3 lần/tuần với mỗi loại thịt, cá), tránh việc ăn liền tù tì 1 loại thịt trong vài ngày liên tiếp, đặc biệt là thịt bò, thịt lợn. Để không tạo thói quen ăn nhiều thịt ở trẻ, mẹ nên chế biến nhiều món rau xanh giúp cung cấp vitamin và chất xơ cho trẻ bởi chất xơ như chiếc chổi quét, phòng ngừa các bệnh ung thư đại tràng, ruột, tăng huyết áp, tiểu đường sau này.

Hương Lan

Theo Đời sống
back to top