Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng lộ trình từng bước mở cửa trường học trong năm nay

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Sáng 12/11, Thủ tưởng Phạm Minh Chính đã có phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội trên cương vị người đứng đầu Chính phủ về các lĩnh vực đã được chất vấn trước đó, gồm y tế, lao động, giáo dục và kế hoạch - đầu tư.

thu-tuong-pham-minh-chinh(1).jpg
Quang cảnh buổi chất vấn. Ảnh: VPQH.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, Thủ tướng cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục. Ngành giáo dục cùng cả nước đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các phương thức dạy và học, tuy nhiên, việc nghỉ học và học trực tuyến dài ngày ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh, giáo viên, gia đình và chất lượng giáo dục... như nhiều đại biểu đã nêu.

"Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ văcxin cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu", Thủ tướng phát biểu.

Dự báo đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước. Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT  phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình, phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm văcxin phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.

Chính phủ cũng chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình.

Theo Đời sống
back to top