Trước đó, trên cơ sở đề xuất đầu tư của Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194 và báo cáo của Sở GTVT, UBND TPHCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây cầu thay thế phà Cát Lái.
Theo đó, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km, quy mô mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Dự kiến Cầu Cát Lái khởi công từ năm 2020.
Theo thống nhất giữa UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai, TPHCM sẽ chịu trách nhiệm đầu tư phần đường dẫn phía bên TP.HCM từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm đầu tư phần đường dẫn phía bên tỉnh Đồng Nai.
Phần cầu chính và cầu dẫn sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai kết hợp hình thức hợp đồng BOT và BT (khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai), tổng kinh phí khoảng 7.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó UBND TPHCM chỉ đạo tạm dừng dự án cầu Cát Lái để xem xét đề xuất đầu tư dự án mới theo hình thức PPP.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, cầu Cát Lái có vai trò kết nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tạo động lực trong việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.
Được biết, lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái hiện vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Khu vực này hiện có cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tuy nhiên, tuyến cao tốc này đang chịu áp lực giao thông rất lớn và lại chỉ dành cho ôtô lưu thông. Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2 của TPHCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái.
.