Sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, 10.400 xã, phường trên toàn quốc.
Cuộc họp tập trung bàn, xây dựng kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, phấn đấu đến ngày 30/9 chuyển sang trạng thái bình thường mới. Ngoài ra, cuộc họp thảo luận về vấn đề xây dựng và sử dụng ứng dụng dùng chung trong phòng chống dịch Covid-19.
Phấn đấu đến 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”; vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9 sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.
Thủ tướng khẳng định tình hình dịch vẫn đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực trên cả nước, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Một số địa phương có ổ dịch mới phát sinh song kiểm soát được ngay.
Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng cám ơn sự tích cực ủng hộ và vào cuộc nhanh chóng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; biểu dương các địa phương, nhất là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh Đông Nam Bộ đã huy động được cả hệ thống vào cuộc phòng chống dịch; biểu dương, ghi nhận công sức của các lực lượng tuyến đầu, các tổ chức, cá nhân tình nguyện…
Thủ tướng chủ trí họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Theo Thủ tướng, tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác phòng chống dịch những ngày qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Một số địa phương chưa làm tốt các quy định, hướng dẫn nên hiệu quả phòng, chống dịch có nơi chưa cao. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Việc khoanh vùng, dập dịch có nơi còn ở phong tỏa diện quá rộng, quá mức cần thiết. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội có nơi vẫn chưa bao quát đủ đối tượng…
Trên cơ sở phân tích, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra một số bài học kinh nghiệm như: Không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác, nhất là khi dịch chưa đến hoặc đã kiểm soát được tình hình, tránh hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát, lây lan.
Trong chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu phải nhất quán, kiên trì, áp dụng linh hoạt các biện pháp bởi “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể đến sức khỏe, tính mạng và nhiều mất mát khác”.
Sớm ban hành quy định mới về công nhận hộ chiếu vaccine
Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Song song đó, cần đóng góp ý kiến; giao Bộ Y tế tiếp thu và hoàn thiện bộ tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.
Bộ tiêu chí, hướng dẫn này cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về những nhiệm vụ, giải pháp từ cấp Trung ương đến tận tổ, thôn, ấp, bản để các bộ, ngành, địa phương căn cứ áp dụng.
Các bộ, ngành, địa phương thành lập ngay các tổ công tác về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội do người đứng đầu làm tổ trưởng; đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Tiểu Ban Y tế của Ban Chỉ đạo phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành hướng dẫn quy cách, tiêu chuẩn tự xét nghiệm và huy động y tế tư nhân vào công tác phòng chống dịch. Các bộ, ngành phối hợp soạn thảo, sớm ban hành quy định mới về công nhận hộ chiếu vaccine; rà soát quy định về xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.
Khoảng 22,3 triệu người Việt Nam đã tiêm một mũi vaccine Covid-19. Trong khi đó, số lượng được tiêm đủ 2 liều là 7,3 triệu người. Ảnh: Chí Hùng. |
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng yêu cầu tiêm chủng phải an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng đồng thời chủ động chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị phục vụ phòng chống dịch cho thời gian trước mắt và cả trong những năm tiếp theo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình “sóng và máy tính cho em”, tổ chức dạy và học linh hoạt, an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, tích hợp ứng dụng sử dụng chung và các giải pháp khác để đảm bảo diện bao phủ trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, minh bạch; khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp và sáng kiến trong phòng, chống dịch đồng thời phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm.