Thủ tướng: Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Chiều 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Thu tuong: Chinh phu de xuat  tai khoi dong du an dien hat nhan
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thủ tướng khẳng định, dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây và hiện nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã luôn quan tâm, đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, quyết định các vấn đề quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước.

Phát triển mạnh điện gió ngoài khơi

Về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống. Đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối… Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500 kV mạch 3 Quảng Bình-Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII…
Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện.
Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao. Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện. Đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.
Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển KTXH nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.
"Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý.
"Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển; khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép.

Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3 nghìn tỷ đồng hằng năm

Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp. Trong đó, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội

Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Theo VietnamDaily
back to top