Theo, Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố trái chiều.
Cụ thể, CPI tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau như: Giá các mặt hàng lương thực tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,15%); giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%)...
Ở chiều ngược lại, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 19,49% (tác động làm CPI chung giảm 0,81%); giá gas trong nước giảm 3,63%; nhóm du lịch trọn gói giảm 1,49%; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, giá vé máy bay giảm 29,8%...
Thủ tướng Chính phủ nhận định, sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền, do đó cần linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu; không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ; giảm giá nước sạch, dịch vụ viễn thông...
Về mặt hàng thịt lợn, tăng cường tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp.
Các loại giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics cần giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về dịch vụ giáo dục, y tế cần có điều chỉnh phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.