Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. |
"Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy là cây cầu có mặt cắt chiều rộng lớn nhất của TP Hà Nội bắc qua sông Hồng. Việc hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, giải quyết áp lực cho giao thông Thủ đô, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Hà Nội theo quy hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại đây, Thủ tướng đề nghị Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Khẩn trương nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông của thành phố Hà Nội, nhất là xử lý các điểm nghẽn giao thông, vệ sinh môi trường; phân bổ, quy hoạch lại dân cư để giảm tải ùn tắc ở khu vực trung tâm; trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên trong năm 2024, triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Đối với các dự án đang triển khai, Thủ tướng đánh giá dự án giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 cơ bản hoàn thành. Sau đây, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, giảm bớt thủ tục hành chính, triển khai đầu tư nhanh dự án phần đầu tư công; tiếp tục khởi công các cầu như Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024; chú trọng vấn đề mỹ thuật công trình khi thiết kế, nhất là cây cầu ở Hà Nội cũng là một sản phẩm du lịch, nâng tầm văn hoá, điều kiện tự nhiên, xã hội, mang tính đặc trưng, xứng tầm với Thủ đô Hà Nội, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Cầu nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đưa vào khai thác, Hà Nội đang có 9 cầu bắc ngang sông Hồng, gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên và Văn Lang.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu vượt sông Hồng để kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân gồm: Mễ Sở, Hồng Hà, Thăng Long mới, Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cầu vượt chữ C thông xe ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc hết tắc: