Đường huyết cao, mỡ máu cao và huyết áp cao dần trở thành "sát thủ âm thầm" đe doạ cuộc sống của người hiện đại. Đặc biệt là đường huyết cao, lượng đường trong máu không thể kiểm soát sẽ dẫn đến những mô và cơ quan trong cơ thể bị tổn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây ra chứng bệnh này có thể là do di truyền hoặc một số thói quen sinh hoạt không tốt như chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu cân bằng, béo phì, ít tập thể dục...
Thói quen xấu vào ban đêm khiến đường huyết tăng vọt, cần loại bỏ ngay. Ảnh Shutterstock |
Dưới đây là một số thói quen xấu vào ban đêm khiến đường huyết tăng vọt, cần lưu ý:
Sử dụng điện thoại hoặc máy tính xách tay quá lâu vào đêm
Việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính ngay trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn tăng tiểu đêm, mệt mỏi, làm giảm chất lượng giấc ngủ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ăn vặt vào ban đêm
Đồ ăn vặt chứa nhiều muối, đường và carbohydrate. Nếu bạn sử dụng đồ ăn vặt vào ban đêm sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, việc này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như tăng cân, tăng cholesterol và tăng huyết áp.
Không ngủ đúng giờ
Thói quen ngủ không nhất quán và không đúng giờ sẽ ảnh hưởng đến độ nhạy insulin và làm tăng lượng đường trong máu.
Đã có nhiều cuộc điều tra về mối liên quan giữa các vấn đề giấc ngủ và sức khỏe. Theo Viện y học giấc ngủ quốc gia (NSF), ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến đột biến lượng đường huyết. Một nghiên cứu cho thấy những người tham gia chỉ ngủ 4 giờ một đêm trong 6 đêm giảm đáng kể trong dung nạp glucose.
NSF cho biết giấc ngủ sâu giúp giảm cortisol và hoạt động của hệ thần kinh nên giúp điều hòa lượng đường huyết. Vì vậy, bạn hãy duy trì thói quen ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc để có một sức khỏe tốt.
Căng thẳng
Căng thẳng không gây ra bệnh tiểu đường nhưng kết hợp với các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Mức độ cao cortisol (hormone gây căng thẳng do tuyến thượng thận tạo ra) có thể cản trở các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, khiến chúng tạo ra ít insulin hơn. Khi insulin ít, cơ thể xử lý glucose (đường) kém hiệu quả, dẫn đến có quá nhiều đường trong máu.
Mặc dù cần có các nghiên cứu sâu hơn để xem xét cách cortisol ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất insulin và hoạt động của insulin, nhưng thói quen không lành mạnh khi căng thẳng như ăn quá nhiều, ăn thực phẩm chế biến sẵn... là các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Uống thuốc quá muộn
Hãy uống thuốc đúng giờ. Nếu uống thuốc quá muộn trước khi đi ngủ sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể của bạn. Thậm chí, điều này có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Hút thuốc
Hút thuốc lá (nicotine trong thuốc lá) kích thích tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và sự gia tăng adrenaline làm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, thúc đẩy quá trình phân giải glycogenogenes ở gan và gluconeogenesis, ức chế giải phóng insulin, làm giảm sự hấp thu đường của các mô xung quanh. Có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Không chỉ vậy, hút thuốc lá còn làm tăng tổn thương các mạch máu và tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường.