Thói quen xấu khiến trẻ dễ mắc bệnh tai mũi họng

Bệnh về tai mũi họng nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ rất dễ tái phát và dẫn đến viêm cầu thận, viêm khớp và các bệnh về tim.

Bệnh lý tai mũi họng là nhóm bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Ngoài những yếu tố gây bệnh như thời tiết, khí hậu, môi trường, khói bụi…, thói quen không tốt cũng góp phần gây nên các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ.

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ đã mắc các bệnh liên quan đến tai mũi họng bao gồm: Ngạt mũi, chảy nước mũi, rối loạn ngửi, thay đổi tiếng khóc, tiếng cười, đau tai, thính lực kém…

Dưới đây là những thói quen quen thường gặp trẻ dễ mắc bệnh lý tai mũi họng:

Ngoáy mũi có thể gây bệnh tai mũi họng

Ngoáy mũi là thói quen thường gặp ở trẻ nhỏ. Thói quen này tuy không nguy hiểm nhưng khiến trẻ gặp một số bệnh lý:

Chảy máu mũi rất thường gặp ở những trẻ hay ngoáy mũi do làm tổn thương các mạch máu nhỏ vùng mũi trước (điểm mạch kisselbach).

Ngoáy mũi thường xuyên có thể gây tổn thương da vùng tiền đình mũi gây viêm loét, nhọt tiền đình mũi.

Ngoáy mũi có thể gây bệnh tai mũi họng. Ảnh minh họa

Ngoáy mũi có thể gây bệnh tai mũi họng. Ảnh minh họa

Ngoáy mũi là con đường đưa virus, vi khuẩn, nấm… từ tay vào mũi khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm mũi- xoang.

Nguyên nhân khiến trẻ ngoáy mũi có thể do trẻ đang có tình trạng viêm mũi gây ngứa mũi, cản trở đường thở qua mũi, tăng tạo gỉ mũi làm trẻ vướng hoặc do trẻ khô mũi, có dị vật trong mũi…

Cắn móng tay, mút ngón tay

Tay và móng tay chứa rất nhiều virus, vi khuẩn. Ảnh minh họa

Tay và móng tay chứa rất nhiều virus, vi khuẩn. Ảnh minh họa

Tay và móng tay chứa rất nhiều virus, vi khuẩn. Cắn - mút ngón tay sẽ khiến trẻ mắc bệnh tai mũi họng như: Viêm amydal cấp, viêm loét họng do virus… Ngoài ra, trẻ có thể mắc các bệnh về răng miệng, tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm…

Đưa đồ vật vào mũi và miệng

Các đồ vật xung quanh thường tiềm ẩn rủi ro vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, nếu trẻ vô tư chơi đùa và cho trực tiếp các đồ vật này tiếp xúc với đường thở, khả năng tai mũi họng sẽ bị virus, vi khuẩn xâm nhập là rất cao, dẫn đến các bệnh lý đường hô hấp. Chưa kể nếu trẻ nuốt nhầm dị vật sẽ gây khó thở ngay lập tức, ảnh hưởng đến tính mạng.

Xì mũi quá mạnh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi cho trẻ xì mũi, không nên xì quá mạnh, vì sẽ tạo ra áp suất lớn trong hốc mũi, làm vỡ các mạch máu nhỏ, gây chảy máu mũi và dẫn đến các bệnh lý như viêm tai giữa cấp.

Cách phòng tránh các bệnh tai mũi họng và biến chứng của bệnh

Viêm mũi họng có thể phòng ngừa được bằng cách:

Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường, vì môi trường Việt Nam hiện tại bị ô nhiễm nặng nề từ bụi xây dựng, xăng, hóa chất...

Hạn chế đưa trẻ đến những chỗ đông người, vì dễ làm cho trẻ bị lây nhiễm khi cơ thể chưa đủ sức đề kháng.

Giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ khi trời lạnh.

Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa, hạn chế biến chứng của viêm mũi họng

Điều trị sớm mỗi khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của mũi họng.

Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.

Điều trị đúng và triệt để các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi họng.

Biết cách nhỏ mũi cho trẻ, hướng dẫn đúng cho trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang.

Theo Đời sống
back to top