Theo ông Vũ Huy Đông, chủ một cơ sở sản xuất đồ chơi Trung thu tại Hưng Yên, nghề sản xuất đồ chơi dân gian của gia đình ông có từ hơn 40 năm trước. Ngày xưa, Hợp tác xã chuyên làm trống, sau đó, các gia đình tự kinh doanh. Đến nay, một số gia đình không giữ nghề này nữa, chỉ còn một vài hộ còn bám trụ với nghề. |
Cũng theo ông Đông, hoàn thiện một chiếc mặt nạ phải thực hiện 3 công đoạn: Bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được người thợ sơn, vẽ tay, thổi hồn trở thành những hình thù ngộ nghĩnh. |
"Khâu vẽ là khó nhất, người có kinh nghiệm lâu năm mới được vẽ, bởi phải thể hiện được hồn của nhân vật. Ví dụ, vẽ Tễu nữ khác là có cái khăn vấn, còn Tễu nam không có khăn vấn, mà có râu”, ông Đông chia sẻ. |
Lý giải về tên gọi mặt nạ giấy bồi, ông Đông cho hay, do đồ chơi truyền thống được làm bằng giấy và bồi bằng thủ công nên được người dân nôm na gọi là mặt nạ giấy bồi. |
Một vài hộ dân ở làng Ông Hảo vẫn quyết tâm bám trụ với nghề đặc biệt này. Họ hoạt động và sản xuất những món đồ chơi truyền thống quanh năm, nhưng bao giờ cũng thế, dịp tất bật nhất vẫn là gần Tết Trung thu. |
Để “bám nghề”, gìn giữ nghề truyền thống của quê hương, ông Đông bộc bạch rằng, bản thân ông cùng những người thợ phải liên tục đổi mới, cải tiến mẫu mã và bắt kịp xu hướng các hình ảnh, con vật mới lạ để phù hợp thị hiếu của em nhỏ. |
Những năm gần đây, các địa điểm làm đồ chơi trung thu truyền thống cũng được quảng bá và thu hút nhiều bạn trẻ ghé thăm, trải nghiệm, hiểu biết thêm về những nét văn hóa dân gian. Việc thuê thêm nhân công theo mô hình mà mỗi người sẽ phụ trách một công đoạn khác nhau giúp cho tăng năng suất, nhằm phục vụ nhu cầu của trẻ nhỏ và người dân vào dịp Tết Trung thu. |
Dù không thể phát sáng hay gắn pin điện tử, những đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi vẫn có sức hấp dẫn, trở thành món quà yêu thích của trẻ nhỏ và phụ huynh. |