Thoát vị thành bụng là một biến chứng có thể gặp phải sau tạo hình thẩm mỹ thành bụng nếu phẫu thuật không được tiến hành một cách bài bản và cẩn trọng. Đây là một biến chứng đe dọa tính mạng cần chú ý.
Như trường hợp dưới đây của một bệnh nhân nữ 39 tuổi, phẫu tạo hình bụng theo phương pháp kinh điển sau 3 năm tại một bệnh viện quốc tế phía nam.
Có thể do hút mỡ quá nhiều nên thành bụng có biểu hiện lồi lõm không đều. Nhưng nguy hiểm hơn là từ sau khi phẫu thuật, chị luôn cảm thấy khó chịu trong bụng, nhất là khi ăn no, và trầm trọng hơn là thi thoảng chị có những cơn đau quặn bụng. Gần đây cơn đau càng nhiều và càng mạnh khiến chị rất lo lắng phải xin đến khám tư vấn.
Nội soi trong mổ: Tổ chức mạc nối và bờm mỡ chui vào lỗ thoát vị thành bụng
Sau khi chụp chiếu các bác sĩ của chúng tôi phát hiện một ổ thoát vị trên thành bụng và có tổ chức mạc nối và bờm mỡ trong ổ bụng chui vào. Các bác sĩ đã phải nhanh chóng tiến hành một ca mổ nội soi can thiệp.
Hình ảnh nội soi cho thấy rõ tổ chức mạc nối và bờm mỡ đang chui vào một lỗ thoát vị trên thành bụng. Phải rất vất vả, các bác sĩ mới gỡ được tổ chức mạc nối và bờm mỡ này ra khỏi lỗ thoát vị để tránh cho bệnh nhân biến chứng hoại tử tổ chức nguy hiểm.
Sau khi mạc nối và bờm mỡ được gỡ xuống lộ ra một lỗ thoát vị sâu hoắm trên thành bụng. Rất may ruột không chui vào nếu không đã có thể gây biến chứng nặng nề nguy hiểm tính mạng.
Sau khi mạc nối và bờm mỡ được gỡ xuống lộ ra một lỗ thoát vị sâu hoắm trên thành bụng |
Y văn thế giới cũng đã ghi nhận một số trường hợp ruột bị thoát vị lên lồng ngực hoặc qua vết mổ hay điểm yếu của thành bụng sau mổ tạo hình thẩm mỹ bụng.
Chính vì vậy các chuyên gia khuyến cáo cần chọn lựa tư vấn thăm khám kỹ càng với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Không nên tạo sự thay đổi áp lực ổ bụng quá lớn trước và sau phẫu thuật để tránh các biến chứng thoát vị nguy hiểm này.
Thoát vị thành bụng là một bệnh lý thường gặp, xảy ra khi cơ thành bụng bị hở hay yếu, gây ra một khối lồi trên bụng. Khi cơ thành bụng bị kéo căng hơn, làm tăng áp lực trong khoang bụng thì khối này càng to hơn, xuất hiện càng rõ ràng hơn.
Nhiều thoát vị không có triệu chứng, nhưng một số trường hợp bị kẹt hoặc bị thắt nghẹt gây đau và cần được can thiệp cấp cứu. Thoát vị nghẹt là thoát vị có thiếu máu do cản trở cơ học dòng cấp máu. Sự nghẹt có thể gây nhồi máu ruột, thủng ruột và viêm phúc mạc… và gây tử vong
Các loại thoát vị thành bụng bao gồm:
- Thoát vị rốn
- Thoát vị trên rốn
- Thoát vị Spiegelian
- Thoát vị vết mổ
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà (Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm Mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức)