Theo Đông y, thịt vịt tính mát, vị ngọt có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư, tư âm, dưỡng vị, lợi thủy... chuyên trị các chứng tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng…
Trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, photpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), axit nicotic… rất cao.
Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa…
Phù do viêm thận mạn: Vịt già trên 3 năm 1 con, thêm tỏi 4 nhánh, luộc đến khi chín nhừ không cho muối, nên cho thêm ít đường, uống canh ăn vịt.
Lao phổi: Vịt già 1 con, đông trùng hạ thảo 5g, cho vào nồi đất, cho gia vị, nấu đến khi chín nhừ là được.
Tràn dịch màng bụng do bệnh gan, phù do thận: Vịt già trên 5 năm, vặt lông, mổ bụng, moi bỏ ruột, rửa sạch, chặt thành miếng nhỏ, cho nước vào hầm 5 - 6 tiếng, sau đó gạn lấy nước, cho gạo tẻ, cho thêm một ít hành, gừng nấu thành cháo loãng. Hàng ngày ăn nóng vào sáng, tối lúc bụng đói. Nên ăn mỗi tuần 1 lần hoặc 2 tuần ăn một lần, có tác dụng trị liệu phụ trợ.
Bệnh đái tháo đường, thận hư di tinh: Vịt già 1 con, khiếm thực 200g, hành, gừng, muối, rượu vừa đủ. Vịt làm lông, mổ bụng, bỏ ruột, khiếm thực, rửa sạch cho vào bụng vịt. Vịt cho vào nồi đất, cho thêm hành, gừng, muối, rượu và nước. Dùng lửa to đun sôi, sau đó hạ nửa hầm trong hai tiếng, đến khi vịt chín nhừ, cho thêm mì chính khuấy đều là ăn được.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)