Thịt ngỗng chữa suy nhược cơ thể           

(khoahocdoisong.vn) - Thịt ngỗng kiện tỳ hoà vị bổ hư, chỉ khát, giàu dinh dưỡng rất thích hợp trong các trường hợp gầy còm, mỏi mệt, suy nhược cơ thể, tiểu đường....

 Đông y gọi thịt ngỗng là nga nhục và cho rằng thịt ngỗng kiện tỳ hoà vị bổ hư, chỉ khát, sử dụng trong các trường hợp gầy còm, mỏi mệt, suy nhược cơ thể, tiểu đường. Mật ngỗng thanh nhiệt giải độc; trứng ngỗng bổ trung ích khí; lông và màng da chữa bệnh ngoài da, vỏ trứng lại trị mụn nhọt…

Trong 100g thịt ngỗng loại 1 có 46,1g nước, 14g protid, 39,2g lipid, 13mg canxi, 210mg photpho, 1,8mg sắt, 0,27mg vitamin A, 0,20mg vitamin B1, 0,19mg vitamin B2, 5,7mg vitamin P… cung cấp được 422 Kcal.

Chữa tiểu đường: Ngỗng cả con, làm sạch bỏ ruột, hầm nấu ép lấy nước uống.

Tỳ vị hư nhược, ăn kém, mệt mỏi (nhờ bổ khí): Ngỗng 1 con, hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 30g, sơn dược 30g. Ngỗng làm sạch bỏ ruột; nấu cùng dược liệu, thêm gia vị cho phù hợp.

Âm hư, cơ thể suy nhược, mất ngủ: 500g thịt ngỗng, 50g bong bóng cá, 5g táo nhân. Đem tất cả nấu chín làm món ăn.

Buồn nôn : Lấy máu ngỗng cho thêm một ít nước, nấu chín rồi uống.

Ngỗng hầm song bổ thang (công hiệu bổ khí, bổ âm, dùng trong trường hợp miệng họng khô, khát nước, mệt mỏi, thở gấp, ho suyễn, ăn kém, tiểu đường...): Thịt ngỗng 1 con, thịt lợn nạc 200g, sơn dược 20g, sa sâm 20g, ngọc trúc 20g. Cho vào nồi, thêm nước và gia vị vừa ăn, đun nhỏ lửa hầm nhừ.

Trị ung nhọt: Lông ngỗng sao cháy 40g, phèn chua 80g. Nghiền nhỏ, dùng nước cơm làm thành viên. Mỗi lần 8g, uống với nước có cồn (rượu loãng). Hoặc lông ngỗng sao tồn tính 40g, hùng hoàng 12g, xuyên ô 6g, thảo ô 6g, sáp ong vừa đủ. Nghiền trộn lông ngỗng, hùng hoàng, xuyên ô, thảo ô thành bột mịn, trộn với sáp ong nóng chảy để làm viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, uống với rượu.

Trị phong độc ngứa lở: Khổ sâm 600g, lông ngỗng 320g. Lông ngỗng sao tồn tính, trộn với khổ sâm khô, tán nhỏ. Dùng nước cơm làm hồ, viên bằng hạt ngô (3g). Lấy chu sa làm áo. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 - 10g, uống với rượu loãng. Chữa phong ngứa nổi khắp mình, nổi đỏ, gãi ngứa khác thường, chân tay đau nhức, da dẻ nứt nẻ.

Giảm đau do bị va đập: Ống lông ngỗng có máu 7 cái, giun đất 7 con, nhũ hương 5g. Lông ngỗng sao cháy tồn tính, giun đất sao hoặc nướng giòn cùng với nhũ hương nghiền thành bột mịn, thêm ít sáp ong làm viên. Ngày uống 2 lần (sáng, tối); mỗi lần uống 4g với rượu loãng.

Trị hạch ở cổ (loa lịch): Lấy tất cả lông, màng da chân và mỏ, để lên miếng ngói đang nung đỏ cho cháy. Lấy than nghiền nhỏ chia làm 10 phần, mỗi phần uống trong ngày, uống sau bữa ăn.

Kiêng kỵ: Người đang có thấp nhiệt (viêm nhiễm khuẩn cấp tính) không dùng.

                                                               BS HOÀNG XUÂN ĐẠI (chuyên viên Bộ Y tế)

Theo Đời sống
back to top