Thiếu tướng Lê Văn Cương: Muốn phòng chống tham nhũng, phải kiểm soát quyền lực

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với phòng, chống tham nhũng phải có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược – Bộ Công an đã chia sẻ những vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an (ảnh: toquoc.vn)

Quyền lực không giám sát sẽ tha hóa

Thưa Thiếu tướng, xin ông cho biết, xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay cần chú trọng vào những vấn đề gì?

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra một hệ thống giải pháp phòng, chống tham nhũng rất đúng đắn. Trong tất cả các giải pháp đã được nêu ra cần đặc biệt quan tâm đến giám sát quyền lực.

Theo lý thuyết chính trị học, quyền lực nếu không được kiểm soát thì sẽ tha hóa, đó là quy luật đã được đúc kết qua hàng nghìn năm và bây giờ vẫn vậy. Ở mỗi thể chế chính trị nào, quyền lực luôn có xu hướng tha hóa. Từ đó sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Do đó, căn cốt của việc chống tham nhũng là kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hành vi tham nhũng ngay từ đầu. Tức là tham nhũng không có điều kiện để phát triển, người cầm quyền không có điều kiện để nảy sinh hành động tham nhũng.

Theo ông vấn đề nào là quan trọng nhất?

Tại Singapore, một công chức làm việc có đến 4 cơ quan theo dõi, kiểm soát, rất khó có điều kiện tham nhũng. Do vậy, Đảng ta cần kiểm tra lại hệ thống giám sát quyền lực đã đầy đủ chưa, từ luật pháp cho đến nghị định. Nếu thiếu cần sửa đổi bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.

Hơn nữa, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cần điều chỉnh bổ sung hệ thống luật pháp liên quan đến những cá nhân là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Buộc họ phải chịu trách nhiệm với những lĩnh vực mình quản lý, tránh tình trạng buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay.

Các địa phương cần tổ chức, thực hiện tiếp dân một cách nghiêm túc. Người có quyền lực cao nhất tại các cơ quan công quyền phải là người tiếp dân trực tiếp, không thể giao cho cấp phó hoặc chánh văn phòng…

Ngoài ra, cần lập các hòm thư để người dân gửi trực tiếp phản ánh các vấn đề bức xúc đến chủ tịch, bí thư, giám đốc sở… để người đứng đầu các cơ quan công quyền có thể lắng nghe nhân dân một cách trực tiếp, tránh quan liêu, ra quyết định dựa trên báo cáo.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thưa ông, hiện nay Đảng ta đặt trọng tâm, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với đổi mới hệ thống chính trị, ông đánh giá sao về vấn đề này?

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thay đổi đã có bước tiến mới. Đại hội đã đưa việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với đổi mới hệ thống chính trị. Tôi cho rằng việc này là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời và là sự nhận thức mới của Đảng trước tình hình thực tế.

Muốn phòng, chống tham nhũng thì trước tiên cần có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ lập pháp, hành pháp, tư pháp đến các tổ chức chính trị - xã hội. Đây không phải nhiệm vụ riêng của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị... mà ngay cả Thủ tướng, Chủ tịch nước cũng cần phải quyết liệt trong lĩnh vực này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, trong đó lần đầu tiên đề cập vấn đề đảng viên không được nhập quốc tịch nước ngoài và chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định…

Thực tế những vụ việc nổi cộm, các vụ đại án gần đây gây bức xúc dư luận nhân dân đòi hỏi phải làm như vậy hay còn vì lý do nào khác thưa ông?

Mọi quy định đều xuất phát từ thực tế, vì vậy, việc quy định đảng viên không được có quốc tịch nước ngoài, không có tài khoản ngân hàng nước ngoài cũng là xuất phát từ thực tế.

Một cán bộ có hai quốc tịch là điều rất nguy hiểm. Nó thể hiện lòng trung thành với Đảng, với đất nước, với dân tộc không còn nữa. Từ đó không thể cống hiến hết mình để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Trên thực tế Trung Quốc và Nga đã làm rất tốt việc này. Tại Nga việc sửa đổi Hiến pháp 2021 cũng đã đề cập đến những quy định công chức, quan chức của Nga không được có quốc tịch nước ngoài.

Hiện nay, chưa có số liệu cụ thể, nhưng tôi cho rằng tại Việt Nam đã có những quan chức tham nhũng đưa tiền ra nước ngoài.

Do vậy, việc quy định đảng viên không được có hai quốc tịch là xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và phù hợp với các thông lệ quốc tế. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, cần thiết nhằm ngăn chặn cán bộ tham nhũng chuyển tiền ra nước ngoài và có ý định ra nước ngoài sinh sống.

Chống tham nhũng cần bắt đầu từ cái “gốc” chống tiêu cực

Mới đây Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư được bổ sung thành Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực T.Ư. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay? Cần phải hiểu sự điều chỉnh, bổ sung đó theo hướng “lò” sẽ bớt nóng hay sẽ cháy lớn hơn?

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Sau Đại hội XIII, Ban này đã được bổ sung thêm chức năng chống tiêu cực.

Nhiệm kỳ XII của Đảng đã làm rất tốt về mặt phòng, chống tham nhũng. Đấu tranh đã có nhiều kết quả, để lại dấu ấn rõ ràng và lòng tin của nhân dân với Đảng đã được củng cố, nâng lên.

Xét về mặt khoa học, việc chống tham nhũng đã lật ra các “con sâu mọt” trong hệ thống chính trị. Việc chống tiêu cực song song với tham nhũng có nghĩa là Đảng đã chuyển việc đấu tranh với tham nhũng sang phòng ngừa, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Hành vi tham nhũng không phải diễn ra trong một ngày, một đêm hay một tháng… Cán bộ tha hóa là cả một quá trình. Vì vậy, nếu Đảng tập trung vào phòng tiêu cực, tức đã phòng ngừa tham nhũng khi mới chớm nở. Ngăn chặn tham nhũng ngay từ gốc khi mới phát sinh.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Bối cảnh mới cũng đang đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”. Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải “nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn”.

Theo Đời sống
back to top