Thiếu hạ tầng đừng mong bước vào 4.0

(khoahocdoisong.vn) - Thiếu hạ tầng đừng mong bước vào 4.0, đó là quan điểm của ông Trịnh Đình Đề, nguyên Tổng biên tập tạp chí Tự động hóa ngày nay. Nếu chỉ chú trọng đến CNTT mà không có hạ tầng tốt thì không phải công nghiệp 4.0 thực sự.

Phải từ hạ tầng bật lên

Gần đây cụm từ được nói đến nhiều nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông, đây có phải là dấu hiệu đáng mừng?

Mừng lắm chứ, vì ai cũng muốn nước nhà sánh cùng các nước tiên tiến. Đúng là từ lãnh đạo tới người dân ai cũng nói tới 4.0, thậm chí xuất hiện cả cụm từ nông nghiệp 4.0, du lịch 4.0...

Nói nhiều khiến có người lầm tưởng chúng ta đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thật rồi. Nhưng thực chất 4.0 là gì thì không phải ai cũng hiểu. Hoặc hiểu nhưng chưa đầy đủ, nói dựa theo xu thế, nghe các hãng quảng cáo thiết bị của họ, thấy cái gì cũng hay cả. Cứ thế mà nhào zô thì phải coi chừng.

Vậy phải hiểu thế nào cho đúng về 4.0?

4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tức là phải có tiền đề là 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Trên cái nền công nghiệp có công nghệ tiên tiến và hiện đại đã được số hóa trong điều khiển, giờ đây người ta đưa công nghệ thông tin (CNTT) để khai thác tốt hơn. Việt Nam hạ tầng còn thấp đi theo họ phải cân nhắc cái được cái mất. Nếu chỉ có mạng máy tính hay các cảm biến để quan sát thì không phải thực chất của 4.0.

Vì đi tắt đón đầu nên chúng ta ưu tiên phát triển CNTT?

Đi tắt đón đầu là cần, nhưng phải biết nên đón ở chỗ nào, chứ không phải từ bối cảnh phát triển của người ta mà áp dụng vào mình được đâu. CNTT là thượng tầng của kiến trúc công nghệ, rất cần và ta đã có những bước tiến ở tầm cao đáng khích lệ. Đón đầu bằng CNTT là đúng hay chưa đúng còn thời gian để làm rõ.

Nhưng nếu lấy CNTT làm lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là sai. Phải làm sao cho hạ tầng tốt, nếu không sẽ trở thành bánh vẽ. Làm theo kiểu của ta là ở trên thượng tầng chụp xuống chứ không phải từ hạ tầng bật lên. Vấn đề lớn như thế, nếu không hiểu sẽ đi chệch hướng .

Giáo dục của ta đang đi ngược lại xu hướng của thế giới. Học sinh Việt Nam đi thi quốc tế lần nào cũng được giải cao, nước Mỹ họ cũng đi thi và hầu như không đoạt giải nhưng giải Nobel của họ thì không nước nào sánh kịp? Cách  đào tạo học sinh giỏi của ta theo kiểu nuôi gà chọi chứ không phải nâng cao nền giáo dục đại trà là việc nên bàn. Robocon cũng vậy. Đây là sân chơi của tuổi trẻ chứ không phải ganh đua của các trường. Bây giờ thành ra trường đi thi chứ không phải học sinh tham gia sân chơi.

Phải phát triển tiềm lực trong nước

Dường như với chúng ta bây giờ, nông nghiệp, sản xuất, du lịch… chỉ cần ứng dụng CNTT là được coi là 4.0 ngay?

Ta có thể sử dụng công nghệ, có thể lắp camera khắp nơi để quản lý, du lịch thì có thể số hóa… nhưng chỉ làm được như thế thôi, cái đó còn cách xa với nền công nghiệp 4.0. 4.0 là phát triển công nghiệp để tạo ra hàng hóa chứ không phải là những cái trên trời.

Tất nhiên CNTT có ảnh hưởng lớn có tính đột phá nhưng không phải trực tiếp mà trực tiếp phải là nền sản xuất hiện đại được nhúng  CNTT vào để hàng hóa được làm ra nhiều hơn, rẻ hơn, cuộc sống tươi đẹp hơn. Vừa rồi tôi có dự hội thảo về 4.0 của ASEAN, thì thấy, các nước người ta đến để quảng bá những công nghệ của họ là chính chứ không phải nói về 4.0 mà ta cần. Hai cái đó khác nhau. Phải hiểu đúng về 4.0.

Nếu không chúng ta chỉ là thị trường tiêu thụ cho các nước công nghiệp phát triển?

Nếu cứ làm theo cách đó thì rồi cái gì cũng nhập hết vào. Hiện nay, may ra chỉ có các doanh nghiệp FDI có thể thực hiện 4.0. Họ đưa công nghệ vào để khai thác cho hiệu quả hơn. Cái đó cũng là một phần của phát triển công nghiệp Việt Nam, nhưng nó không hoàn toàn của Việt Nam. Vấn đề là phải làm sao khuyến khích được nội lực. Chứ cái gì cũng nhập, thì sẽ phụ thuộc, bị động, rồi đến lúc trục trặc lại phải đợi người ta sang xử lý. Không phải năng lực, trí tuệ của chúng ta kém mà phải có chủ trương phát triển tiềm lực trong nước.

Ông có nói tới việc phải biết chỗ để vào công nghiệp 4.0, cụ thể là gì, thưa ông?

Trước đây ta đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa (CNH - HĐH), mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 nước ta sẽ là nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thế nhưng bây giờ 4.0 ta có làm cái đó không? Theo tôi, đó mới là mục tiêu chính bởi vì nếu là một nước công nghiệp hiện đại là ta đã có thể vào 4.0 một cách chủ động rồi.

Muốn thực hiện 4.0 thì vẫn phải qua CNH – HĐH, không thể bỏ qua được. Thực hiện Chiến lược CNH - HĐH là cách phát triển nội lực tốt nhất. Có CNTT mạnh sẽ giúp việc xây dựng lộ trình và chỉ tiêu cụ thể việc triển khai CNH-HĐH nhanh hơn.

Thiếu thày giỏi để dạy thợ

Trong công nghiệp 4.0, vấn đề nhân lực cũng hết sức quan trọng, từng tham gia quản lý trường dạy nghề, ý kiến của ông về vấn đề này?

Lâu nay chúng ta vẫn nói thừa thầy thiếu thợ, theo tôi, nói thế là không đúng. Chính xác phải là thiếu thầy dạy thợ, nhất là thiếu thầy giỏi để dạy thợ nên dẫn tới thiếu thợ giỏi.

Nếu có thầy chuyên môn giỏi thì có thể khai thác hạ tầng hiện có tuy chưa cao bằng thế giới để có đội ngũ thợ giỏi nắm bắt được công nghệ, thiết bị mới có kỹ năng tốt vận hành máy móc hiện đại trong thực tế. Cùng một thiết bị, người thày giỏi có thể khai thác các phần khác nhau để dạy học sinh kiến thức nâng cao bắt kịp kỹ nghệ mới. Giỏi là ở chỗ ấy.

Vừa rồi chúng ta có nêu lên vấn đề năng suất lao động của người Việt Nam đang ở mức báo động đỏ, khi chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore?

Nếu đào tạo nghề không có chất lượng thì đương nhiên năng suất lao động kém. Năng suất thể hiện kỹ năng tác nghiệp của từng người đối với công việc. Kỹ năng phải được truyền dạy. Có thầy giỏi thì mới có trò giỏi được. Hiện nay có những trường được trang bị tốt mà không khai thác được. Nên phải ưu tiên đào tạo thầy giỏi xứng tầm với mục tiêu. Mặt khác phải tạo môi trường đào tạo mở, liên kết với doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại. Xuất khẩu lao động kỹ thuật cũng là cách tạo ra thợ giỏi cho đất nước mai sau.

Làm thế nào để có được thầy giỏi, thưa ông?

Thầy là người truyền tải nội dung kiến thức trong chương trình môn học  cho học sinh do vậy trước hết phải xây dựng chương trình cho tốt, chứ không phải đổ tiền vào làm sách giáo khoa (SGK). Chương trình có thể thay đổi, còn sách thì không thể thay đổi kịp. SGK tuyệt nhiên không phải là bài giảng. Bài giảng là của thầy. Thầy phải tuân thủ chương trình, dựa trên kiến thức của mình tham khảo tài liệu trong đó có SGK để soạn.

Bài giảng là tác phẩm, là công trình riêng của thầy. Chỉ thầy mới biết cần bổ sung, cập nhật kiến thức gì cho mình khi thể hiện bài giảng trước học sinh. Còn về phía nhà quản lý phải có biện pháp để đánh giá công sức và khuyến khích say mê của thày. Đó chính là hệ thống thanh tra.

Thanh tra chuẩn mực là đòn bẩy thúc đẩy sức sáng tạo của thầy và tạo ra lớp thầy giỏi. Hai việc cốt lõi là xây dựng chương trình tốt và hệ thống thanh tra chuẩn mực hiện nay ở ta đều không được chú trọng đúng mức.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đời sống
back to top