Thi vào lớp 10: Học sinh có nỗ lực, học trường nào cũng được

(khoahocdoisong.vn) - Thực tế, nhiều học sinh ở những trường THPT “tốp dưới” nhưng vẫn đỗ những trường đại học tốp đầu. Ý thức, nỗ lực của học sinh là yếu tố quan trọng.

Quan trọng là nỗ lực của học sinh

Chị Vũ Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) năm nay có con thi vào lớp 10. Từ nhiều tháng nay, chị đã “mất ăn mất ngủ” vì lo chọn trường cho con. May mắn, quận Cầu Giấy tập trung rất nhiều trường cấp 3 tốt để chị có thể lựa chọn. Tuy nhiên, điều khiến chị đau đầu là sắp xếp nguyện vọng thế nào để có được kết quả theo đúng ý nguyện. Sức con chị học bình thường, chỉ sợ chọn trường “hot” quá lại với không tới.

Cũng chung niềm lo lắng khi có con thi vào lớp 10 năm nay, nhưng chị Hoàng Thu Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn thêm một nỗi lo khác, đó là năm nay Hà Nội sẽ tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, trường mà chị ấp ủ “nhắm” tới cho con lại ở khu vực mà chị không có hộ khẩu.

Có thể nói, làm thế nào để chọn cho con vào học được một ngôi trường tốt là nỗi băn khoăn, lo lắng chung của rất nhiều phụ huynh.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, ThS Đỗ Phương Nam, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội) cho biết, mong muốn cho con được vào học ở những ngôi trường “tốp đầu” là nhu cầu chính đáng của các phụ huynh.

Tuy nhiên, trong gần 20 năm đứng trên bục giảng, nhiều năm dạy lớp 9, theo dõi nhiều lứa học sinh ra trường, thì cô thấy, yếu tố học sinh mới là quan trọng nhất.

Có nhiều học sinh chỉ học các trường  “tốp 3” nhưng cuối cùng vẫn đỗ được các trường đại học tốp đầu. Trong khi đó, ngược lại, nhiều học sinh học những trường tốp đầu, lại vẫn trượt đại học.

“Năm ngoái, học sinh tôi chủ nhiệm có một em, do sợ khó đỗ vào các trường tốp 1, tốp 2 nên đã đăng ký vào một trường vừa sức mình, và em đã đỗ. Cho đến thời điểm này, kết quả học tập của em ngày càng tốt. Tôi có rất nhiều những học sinh tương tự như vậy. Quan trọng là nỗ lực, ý thức, sự cố gắng của các em. Nếu thực sự các em có nỗ lực, thì sau này, dù là học ở môi trường nào, các em vẫn có cách để vươn lên, bứt phá”, cô Nam chia sẻ.

Cùng chung quan điểm với cô giáo Đỗ Phương Nam, ThS Nguyễn Tuyết Nhung, Phó Hiệu trường Trường THPT Khoa học Giáo dục cho biết, không thể phủ nhận, một trường tốt sẽ đem lại nhiều điều kiện học tập tốt cho học sinh, từ môi trường học tập cho tới giáo viên, các hoạt động giáo dục hiện đại. Và việc phụ huynh mong muốn cho con được học tập ở ngôi trường tốt cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, cơ bản là nỗ lực của học sinh. Nếu trường tốt mà học sinh không có nỗ lực thì cũng không thể có kết quả tốt. Còn học sinh đã có nỗ lực thì học trường nào cũng được.

Vì thế, nên tùy vào sức học của con, điều kiện của gia đình để lựa chọn. Không nhất thiết bằng mọi giá phải cho con vào học được trường “hot”, trường “điểm”, sẽ rất áp lực và có thể dẫn tới thất bại.

Cha mẹ nên là người tư vấn, không áp đặt

Một vấn đề cũng khiến các phụ huynh đau đầu, đó là mong muốn giữa phụ huynh và học sinh lại không trùng với nhau. Bố mẹ muốn con học trường này, nhưng con lại lựa chọn, muốn vào một trường khác.

Chị Đỗ Phương Nga (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chị muốn con thi vào một trường tốp đầu, vì cháu học rất tốt, vào trường đó, con sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, gặt hái được những kết quả tốt nhất, trong đó có cả việc ăn học bổng để đi du học.

Thế nhưng, con gái chị lại chỉ thích thi vào trường gần nhà. Con nói đã tìm hiểu, trường gần nhà cũng rất tốt, không cần phải quá mệt mỏi “đấu đá” vào trường kia làm gì cho mệt.

“Hai mẹ con vì chuyện này mà xích mích với nhau. Tôi không biết làm thế nào để thuyết phục được con”, chị Nga chia sẻ.

Cô giáo Đỗ Phương Nam chia sẻ, chính bản thân cô trước đây cũng cho rằng, người lớn sẽ biết nhiều thông tin hơn học sinh. Tuy nhiên, khi các em làm hồ sơ đăng ký vào lớp 10 mới thấy, các em đã tìm hiểu rất kỹ, nắm rất chắc thông tin về các trường, thậm chí, có những thông tin cô giáo nhận được nhờ học sinh.

“Tôi cho rằng, học sinh lớp 9 bây giờ các em đã khá lớn, biết tìm hiểu thông tin từ nhiều kênh. Các em cũng đã có nhận thức, quan điểm của mình. Và hơn hết là các em tự biết năng lực mình đến đâu, biết mình mong muốn điều gì. Đương nhiên, cha mẹ bao giờ cũng dày dạn kinh nghiệm, có con mắt nhìn xa trông rộng. Nhưng cũng không vì thế mà áp đặt các con phải tuyệt đối theo mình. Thay vào đó, nên trao đổi, lắng nghe các con, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp nhất”, cô Nam chia sẻ.

Còn theo cô Nhung, cần có sự dung hòa giữa lựa chọn của bố mẹ và con cái, tránh sự áp đặt. Nhiều học sinh giờ nhanh nhạy, nhạy bén, các em tự tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh chưa đủ thông tin, các em chọn theo trào lưu và theo thương hiệu, thì bố mẹ với những trải nghiệm của mình sẽ là kênh tư vấn rất tốt cho con.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, sẽ xem xét những trường hợp đặc biệt về khu vực tuyển sinh. Ví dụ thí sinh có hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng cư trú thực tiễn ở nơi khác sẽ được nhà trường, phòng giáo dục xem xét để điều chỉnh về khu vực tuyển sinh.

Theo Đời sống
back to top