Theo Bộ Tài chính, Bộ đang đề xuất 1 số chính sách nhằm kiểm soát thị trường trái phiếu. Cụ thể là thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu, nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.
Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.
Đồng thời, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp...
Mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính đề nghị sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng thắt chặt và minh bạch đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản đảm bảo.
Siết chặt việc phát hành phải có đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và báo cáo sau khi phát hành. Đồng thời, quy định việc phát hành chỉ thực hiện trên một "kênh" để đảm bảo tính minh bạch cho các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp phát hành phải công bố, công khai báo cáo tài chính được kiểm toán và các doanh nghiệp kiểm toán độc lập phải có trách nhiệm trong việc kiểm toán báo cáo tài chính một cách chính xác.
Được biết, Dự thảo Nghị định nêu trên đã được lấy ý rồi hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.