Thị trường điện bán lẻ sau năm 2024: Có cạnh tranh, chưa chắc điện sẽ rẻ

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế bán lẻ điện cạnh tranh để sau năm 2024 giá điện có lên, có xuống và vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, lộ trình này có thành hiện thực hay không vẫn còn nhiều vấn đề nan giải...

10 năm giá điện chỉ tăng

Tại phiên giải trình "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội", Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Bộ Công Thương cần làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan đến việc phát triển điện trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, có nhiều ý kiến cho rằng Quy hoạch điện còn "sơ cứng", chậm điều chỉnh, chưa linh hoạt... dẫn đến mất cơ hội thu hút đầu tư. Cơ chế giá điện chưa đúng cơ chế thị trường dẫn đến không hấp dẫn thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công Thương làm rõ việc bù giá điện giữa các nhóm khách hàng hiện nay và việc bù chéo này có phù hợp trong giai đoạn tới. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm thì băn khoăn trong 10 năm qua đã có tới 9 lần điều chỉnh giá điện tăng, nhưng đến giờ vẫn chưa phù hợp, đang tiếp tục điều chỉnh...

Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh - thừa nhận, từ năm 2011 - 2020, giá điện chỉ có tăng, không có giảm. Nhưng do chưa có cơ hội để đảm bảo cân đối, cơ cấu giá thành của các nhà đầu tư chưa được tính đủ trong giá đầu vào. Thời gian qua có sự giảm giá đầu vào của khí, gas nên có giảm giá 10% giá điện thông qua việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19.

Mặt khác, giá điện cho sản xuất được tính thấp, vì đầu tư của Nhà nước cho các khách hàng sản xuất đang chiếm 50% lượng tiêu thụ. Thực tế hiện có nhiều ngành như xi măng, sắt thép thâm dụng điện năng rất lớn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Thời gian tới giá điện sẽ được xây dựng theo hướng hạn chế tình trạng này.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8%/năm. Trong đó, giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/năm). Nguyên nhân do tiềm năng thủy điện đã khai thác hầu hết, trong khi nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo dù có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành, nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.

Đáng lo ngại là các dự án nguồn điện, đặc biệt là nhiều dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm so với quy hoạch. Do đó, tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt gần 60%. Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu, tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia. Theo đó, Việt Nam ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Nguy cơ đối mặt với thiếu điện là hiện hữu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, từ 2011 - 2020, giá điện chỉ có tăng, không có giảm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, từ 2011 - 2020, giá điện chỉ có tăng, không có giảm.

Vẫn tiếp tục điều chỉnh biểu giá điện bán lẻ

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nguy cơ thiếu điện trong những năm gần đây có phần nguyên nhân do cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới, nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải. Việc tổ chức thị trường điện cạnh tranh bị trói buộc bởi Luật Giá. Hiện giá điện đang hướng tới các cấp độ triển khai tới thị trường.

Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện để trình Chính phủ. Cụ thể, giai đoạn 1 đến hết năm 2021, là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2024 cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường giao ngay. Giai đoạn 3 từ sau năm 2024 cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ để mua điện.

Như vậy, dự kiến sau năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ. Khi đó, thị trường điện sẽ có tăng, có giảm. Nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện.

Liên quan đến việc điều chỉnh biểu giá điện bán lẻ, một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế đã có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại mức chênh lệch giá điện cho khách hàng sản xuất kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện khác ngoài mục đích sinh hoạt khác. Trên cơ sở xem xét đánh giá tình hình thực tế, trong lần cải tiến cơ cấu biểu giá điện lần này, Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng không dùng điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các khách hàng sử dụng điện.

Theo phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm riêng: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh sẽ áp biểu giá điện như hiện hành. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ logistic sẽ áp dụng giá điện sản xuất. Phương án 2 gộp các nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, nhóm khách hàng kinh doanh đang phải trả tiền điện với mức giá cao. Tuy nhiên, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 6,6% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc. Trong khi khách hàng sản xuất chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn hơn nhiều (trên 59%). Khi gộp nhóm khách hàng kinh doanh với sản xuất sẽ làm tăng giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Ước tính khi áp dụng phương án 2 nêu trên, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35%, trong khi chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng xấp xỉ 5% so với giá hiện hành.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án 2 là không còn chênh lệch giữa giá điện sản xuất, giá điện cho kinh doanh và hành chính. Tạo động lực đổi mới sản xuất theo hướng tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ được hưởng mức giá điện thấp hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là trong ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất.

Theo Đời sống
back to top