Theo Tổng Cục thống kê, trong 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp nội "chia bánh"
Điển hình rõ nhất của các doanh nghiệp nội là Công ty CP Thế giới Di động (MCK: MWG). BCTC 9 tháng năm 2019, doanh nghiệp đạt 76.763 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 35%.
Từ chuỗi siêu thị điện thoại, những năm gần đây, Thế giới Di động đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang các lĩnh vực khác vẫn còn dư địa tăng trưởng, như điện máy (chuỗi Điện Máy Xanh), bách hóa (Bách Hóa Xanh), dược phẩm (nhà thuốc An Khang). Hiện Bách Hoá Xanh trở thành một trong những chuỗi bán lẻ có tốc độ tăng trưởng hàng đầu về quy mô lẫn doanh thu. Nếu đầu năm, chuỗi cửa hàng này đặt mục tiêu là mở thêm 700 cửa hàng trong năm 2019, thì đến nay, con số này đã hơn 1.000.
Hết quý 3/2019, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - FRT) đạt tổng doanh thu 12.427 tỷ đồng, tăng 12,7%. Khi thị trường thuốc tại Việt Nam vẫn còn phân mảnh, FPT Retail đã tận dụng cơ hội này để chuyển hướng đầu tư sang chuỗi cửa hàng thuốc mang thương hiệu Châu Long và đang gấp rút tăng số lượng các cửa hàng này. Mới đây FPT đã khai trương cửa hàng FBeauty để bán mỹ phẩm. Ngoài ra, hệ thống gần 600 cửa hàng FPT Shop cũng mở bán các loại kính mát.
Sau 5 năm xuất hiện, VinCommerce là doanh nghiệp tăng trưởng tốt nhất về quy mô tại Việt Nam. Hiện, nhà bán lẻ này đã có quy mô hơn 3.000 cửa hàng, siêu thị VinMart, VinMart+. Trước khi chuyển giao sang Masan, VinCommerce là mảng kinh doanh đem lại doanh thu lớn thứ 2 cho Vingroup, sau bất động sản.
Mô hình thành công của VinCommerce, FPT Retail hay Thế giới Di động đều có đặc điểm chung là phát triển chuỗi cửa hàng gắn với một số dòng sản phẩm nhất định. Nếu Thế giới Di động chọn các sản phẩm di động làm chủ lực, sau đó lan sang các sản phẩm tiêu dùng và thuốc, thì FPT Retail ban đầu là chuỗi cửa hàng bán máy tính, thiết bị di động… Còn VinCommerce ngay từ đầu đã định hướng vào ngành hàng tiêu dùng cơ bản, và hiện nay vẫn đang đánh chiếm phân khúc này.
Điểm chung nữa của các chuỗi cửa hàng của các hãng bán lẻ nội này là đều xây dựng tại những khu tập trung nhiều khu dân cư, thuận tiện cho khách hàng. Trong đó, VinMart hướng tới các khu dân cư tập trung, FPT Retail hay Thế giới di động là những nơi có nhiều văn phòng, công sở.
Ngoài việc, các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay cũng đang dần tích hợp bán hàng đa ngành, nhất là bán hàng trực tuyến. Nhờ uy tín của mình, các doanh nghiệp bán lẻ có thể niêm yết các mặt hàng trên trang web của mình, hoặc trên nền tảng của bên thứ 3. Khách hàng sau khi mua sẽ được giao hàng tận nơi. Hành vi mua hàng đã thay đổi, khi mua đồ nhu yếu phẩm họ sẽ mua ở tạp hóa hoặc mua ở siêu thị, đồ điện tử, điện thoại, mua đồ cho mẹ và bé họ đến các cửa hàng chuyên doanh... Đi chơi kiêm mua sắm cao cấp đến các trung tâm thương mại quy mô lớn...
Một mô hình của hàng Việt
Các chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ nội xây dựng tại các vị trí đông dân cư, thuận tiện giao thông, khách hàng có sự thuận tiện trong mua sắm mà không cần đến các trung tâm thương mại, đại siêu thị - vốn phải xây dựng xa khu tập trung đông dân cư.
Điều này có nghĩa doanh thu từ các đại siêu thị, trung tâm thương mại sụt giảm, khiến các chủ đầu tư gặp khó trong kinh doanh. Trong khi đó, các nhà đầu tư vào các đại siêu thị này hầu hết là những nhà đầu tư ngoại, vốn nổi tiếng với tiềm lực dồi dào cũng như kinh nghiệm thành công từ các nước sở tại. Kết quả, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại phải rời thị trường Việt Nam.
Trong đó phải kể đến sự ra đi của các “ông lớn” là Tập đoàn Bourbon (Pháp) với hệ thống siêu thị Big C nhượng lại cho Central Group (Thái Lan); Metro Cash & Carry (Đức) bán lại hệ thống siêu thị bán buôn Metro cho Tập đoàn BJC (Thái Lan).
Hay chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã quyết định rút lui và nhượng lại cho Vingroup với giá chỉ 1 USD. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng không dễ dàng “bơi” trên thị trường bán lẻ. Cuối năm 2018, họ phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này. Sau 8 năm hoạt động, Aeon mới mở được 4 trung tâm thương mại, thay vì kỳ vọng vài chục trung tâm như ban đầu.
Gần đây nhất, ngày 16/5/2019, Tập đoàn Auchan (Pháp) đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam sau 5 năm hoạt động và chuyển nhượng lại chuỗi 18 siêu thị cho một doanh nghiệp nội… Mới đây, Masan đã tiếp nhận hệ thống cửa hàng VinMart & VinMart+ của Vingroup tại 50 tỉnh, từ đó hình thành một đế chế hàng tiêu dùng - bán lẻ. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy nhà bán lẻ Việt đang dần thắng thế các đối thủ bán lẻ sừng sỏ ngoại.
“Nếu chỉ xét riêng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, hiện tại nhà bán lẻ nội đang có phần trội hơn về mặt thị phần. Dễ thấy các chuỗi bán lẻ nội như Co.op mart, Bách hóa xanh… hiện đang sở hữu một mạng lưới cửa hàng rộng khắp các khu dân cư. Thậm chí họ mở rộng, khai trương cửa hàng mới mỗi ngày” – một chuyên gia nhận định.
Lâu nay hàng hóa từ sản xuất để bán lẻ phải qua rất nhiều khâu trung gian, khi vào đến siêu thị ngoại có khi phải chiết khấu 20%-30%, thậm chí hơn. Sự trở lại và lớn mạnh của các nhà bán lẻ trong nước sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất, giúp nâng cao chất lượng và đưa hàng Việt trở lại hệ thống phân phối hiệu quả. Và đến tay người tiêu dùng mà không phải phụ thuộc bởi nhà bán lẻ ngoại.
Với dân số 97 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, sau những thăng trầm trên thị trường bán lẻ thời gian qua, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không dồn dập xuống vốn, mà tính toán kỹ lưỡng hơn. Khả năng cân nhắc hợp tác với các nhà bán lẻ trong nước sẽ rõ ràng hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro và phát huy được thế mạnh của những doanh nghiệp bản địa am hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng.