Một loạt các thay đổi “chóng mặt”
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có quyết định thay tên gọi cũng như mục đích của kỳ thi cuối cấp. Theo đó, sẽ không còn là kỳ thi THPT Quốc gia, thay vào đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu của kỳ thi chủ yếu cũng chỉ nhằm xét tuyển tốt nghiệp.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019. |
Đặc biệt, bài thi tổ hợp cũng sẽ chỉ quy về lấy một đầu điểm duy nhất, chứ không phải là 3 đầu điểm cho ba môn thành phần như trước đây.
Giải thích về thay đổi này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, mục đích của kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra của bậc phổ thông hiện nay hướng tới giáo dục toàn diện, cũng như khuyến khích phát triển năng khiếu của mỗi học sinh qua các môn học khác nhau. Cho nên, không thể chấp nhận bỏ môn này hay môn khác, vì như vậy sẽ không đạt mục tiêu giáo dục.
Những năm qua, Bộ GD&ĐT đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật, như đặt điểm liệt với các môn thi, cũng nhằm tạo động lực là nếu thí sinh muốn đạt được yêu cầu của chuẩn đầu ra thì ít nhất phải học một cách toàn diện, đạt được mức độ học vấn ở mức cơ bản.
Việc thay đổi cách thi cũng nhằm định hướng cách dạy học. Bộ GD&ĐT không khuyến khích, thậm chí người học cần loại bỏ suy nghĩ học lệch. Và nếu thí sinh học tốt ở môn nào thì điểm cũng vẫn cao ở môn đó, không có gì là thiệt thòi.
Ông Trinh cũng cho biết, đề tham khảo thi THPT Quốc gia Bộ GD&ĐT mới công bố cách đây hơn 3 tuần sẽ không còn giá trị. Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố một bộ đề thi Tốt nghiệp THPT trong thời gian sớm nhất để giáo viên và học sinh có định hướng dạy học và ôn tập cho phù hợp.
Tuy nhiên, vửa mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lại quyết định kỳ thi năm 2020 vẫn sẽ giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp.
Cụ thể, chiều 27/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp tục làm việc với Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2020.
Tại cuộc họp, các trường đại học bày tỏ mong muốn năm nay vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp.
Đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, dư luận xã hội cũng băn khoăn vấn đề này do năm nay thí sinh đã học và ôn từ đầu theo hướng như kỳ thi năm ngoái.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định kỳ thi năm nay sẽ giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp. Thời gian làm bài sẽ đảm bảo đánh giá năng lực học sinh ở các môn thành phần.
Đối với một số trường ĐH tổ chức kỳ thi xét tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT tôn trọng tinh thần tự chủ nhưng chỉ tổ chức thi khi thực sự cần thiết.
Các trường và thí sinh “xoay” theo
Những thay đổi “chóng mặt” liên quan tới kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 đã kéo theo sự thay đổi trong công tác tuyển sinh của một loạt các trường đại học. Nhiều trường đã tính tới phương án tuyển sinh riêng để đảm bảo nguồn tuyển đầu vào.
Đặc biệt, việc thay đổi chỉ tính một đầu điểm cho bài thi tổ hợp đã khiến các trường phải “xoay” theo. Một số trường đại học đã thông báo thực hiện quy đổi cách tính điểm theo khối.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, khối A00 quy đổi thành Toán + Khoa học tự nhiên x 2; khối A01 quy đổi thành Toán + KHTN + tiếng Anh; Khối B00 quy đổi thành Toán + KHTN x 2. Khối D01 vẫn giữ nguyên Toán + Văn + tiếng Anh; Khối D07 quy đổi thành Toán + KHTN + tiếng Anh; Khối V00 quy đổi thành Toán + KHTN + Vẽ; Khối V01 vẫn giữ nguyên Toán + Văn + Vẽ.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tính điểm theo tổ hợp môn tương ứng với các ngành. Hai tổ hợp Toán + Văn + Tiếng Anh và Toán +Văn + Khoa học tự nhiên đều được xét tuyển cho tất cả các ngành năm nay.
Các ngành khác sẽ tính thêm tổ hợp Toán +Văn + 0,8 x Khoa học xã hội hoặc tổ hợp Toán+ Văn+ Khoa học xã hội.
Trường ĐH Nông lâm TPHCM dành 50-60% trong số gần 5.000 chỉ tiêu xét từ kỳ thi tốt nghiệp THPT với hai tổ hợp môn chủ yếu là Toán + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh và Toán + Ngữ Văn + tiếng Anh.
Tất cả các ngành đều xét tổ hợp Toán + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh. Một số ngành xét thêm tổ hợp Toán + Văn + tiếng Anh..
Trường ĐH Ngoại thương dành 20% xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức này, sẽ xét tuyển chủ yếu 2 tổ hợp Toán + Văn + Ngoại ngữ và Toán + Ngoại ngữ + Khoa học tự nhiên. Với tổ hợp Toán + Ngoại ngữ + Khoa học tự nhiên, tổng điểm xét tuyển = (Toán*2+ Ngoạingữ*2+KHTN) quy đổi về thang 30 điểm.
Như vậy, tới thời điểm hiện tại, với sự quyết định “trả lại” đầu điểm 3 môn trong bài thi Tổ hợp, có nghĩa là các trường lại phải “xoay” lại phương án tuyển sinh của mình.
Những bình luận của thí sinh thể hiện sự lo lắng khi nghe ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trả lời trực tuyến về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trên truyền hình. |
Còn với thí sinh, mỗi một thông tin thay đổi đưa ra liên quan tới kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020, là lại thêm những hoang mang, lo lắng. Theo khảo sát và ghi nhận của PV KH&ĐS qua thực tế và trên một số diễn đàn, thì rất nhiều ý kiến thí sinh cho rằng, sự thay đổi liên tục các quyết định liên quan tới kỳ thi đã khiến các thí sinh không thể ổn định tâm lý để học tập.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, những quyết định “đảo chiều” liên tục của Bộ GD&ĐT đã chất thêm gánh nặng tâm lý học sinh trong lúc lẽ ra cần sự giảm tải nhất.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập của các em đã có nhiều xáo trộn, lúc này, mỗi sự thay đổi cần có sự cân nhắc, thận trọng, tránh hôm nay quyết định thế này, mai lại sửa lại, thế khác khiến thí sinh “rối như tơ vò”.
Kết luận cuộc họp chiều 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện và ban hành sớm quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế xét tuyển và đề thi tham khảo. Phải đảm bảo kỳ thi an toàn, trung thực, chất lượng, không quá phức tạp và đảm bảo công tác xét tuyển diễn ra thuận lợi nhất cho các học sinh, các nhà trường và các trường Đại học. Đại diện nghị Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sớm công bố quy chế tuyển sinh, chậm nhất là mùng 10/5.