Thi THPT Quốc gia năm 2019: Tập trung bảo mật và đảm bảo an toàn kỳ thi

Đảm bảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, minh bạch, thời điểm này lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đi thị sát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại nhiều địa phương. Sáng 10/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019, cụm thi số 28 - Nghệ An.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2018. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Bà Nghĩa lưu ý Ban Chỉ đạo thi của tỉnh Nghệ An cần rà soát, khắc phục một số hạn chế về cơ sở vật chất như tủ đựng đề thi, bài thi, camera bảo mật và chú ý khâu an ninh an toàn ngăn cách, đặc biệt chú trọng đến công tác con người…

Đảm bảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, minh bạch, thời điểm này lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đi thị sát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại nhiều địa phương. Đối với các tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, nhiều trường ở xa trung tâm, thí sinh thi đi lại khó khăn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ thí sinh đi thi được thuận lợi nhất.

Lưu ý bảo mật đề thi  

Sáng 10/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2019, cụm thi số 28 -Nghệ An. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại cụm thi số 28 có hơn 32.000 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh sẽ huy động 3.333 cán bộ, giám thị làm công tác coi thi và hơn 4.900 người làm công tác phục vụ, bảo vệ kỳ thi.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 về cơ bản đã hoàn thành. Trong đó, đã thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra về cơ sở vật chất tại 61 hội đồng thi thuộc 21 huyện, thành, thị. Sở cũng đã tổ chức phổ biến các văn bản về thi cho cán bộ, giáo viên và học sinh về những điểm mới của Kỳ thi THPT Quốc gia, điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2019. 

Hiện tỉnh cũng đã có kế hoạch để bố trí cơ sở vật chất cho khu vực bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi, hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát theo đúng quy định của quy chế thi và các văn bản hướng dẫn. Việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi như phương án in sao đề thi, bố trí điểm thi, bố trí ăn nghỉ cho cán bộ tham gia tổ chức thi tại các điểm thi, hỗ trợ thí sinh ở xa dự thi; các phương án bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh phòng dịch và các phương án dự phòng cũng đã được khẩn trương thực hiện. Đặc biệt, theo phương án hiện nay, Nghệ An sẽ là tỉnh duy nhất trong cả nước sẽ chấm thi và làm phách tập trung để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao về công tác chuẩn bị của Nghệ An, đặc biệt trong điều kiện địa bàn rộng và là một trong bốn tỉnh có số lượng thí sinh đông nhất cả nước. Tuy nhiên, bà Nghĩa cũng lưu ý Ban Chỉ đạo thi của tỉnh cần rà soát, khắc phục một số hạn chế về cơ sở vật chất như tủ đựng đề thi, bài thi, camera bảo mật và chú ý khâu an ninh an toàn ngăn cách. Rút kinh nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Nghĩa cũng yêu cầu Nghệ An  cần quán triệt với cán bộ coi thi về quy chế thi, thực hiện nghiêm túc các quy định của Kỳ thi. Trong quá trình làm thi, đặc biệt chú trọng đến công tác con người, lựa chọn những người có kinh nghiệm, uy tín, trách nhiệm, có bản lĩnh, có nghiệp vụ.

Tập trung ưu tiên thí sinh dự thi 

Những ngày qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh năm 2019 của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn cũng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở nhiều địa phương. Với các tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, nhiều trường ở xa trung tâm, thí sinh thi đi lại khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ thí sinh đi thi được thuận lợi nhất. Theo đó, các địa phương không được để thí sinh phải nhịn đói đi thi, hoặc không đến được trường thi vì khó khăn.

Tại Yên Bái, ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi của tỉnh cho hay, năm nay toàn tỉnh có hơn 7.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó trên 6.700 học sinh lớp 12 và 343 em là thí sinh tự do. Tỉnh Yên Bái đã bố trí 25 điểm thi với 305 phòng thi, gần 1.000 cán bộ ngành giáo dục và ngành liên quan tham gia coi thi.

Ông Bằng cũng cho hay, là tỉnh miền núi với địa bàn rộng nên ở Yên Bái có những điểm thi cách trung tâm thành phố gần 200 km. Trong điều kiện khó khăn đó, để đảm bảo cho tất cả thí sinh đến được điểm thi, dự thi an toàn, tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch bố trí xe ô tô, xe máy đưa đón các em. Một số trường có bố trí phòng trọ miễn phí, phối hợp với khu dân cư hỗ trợ chỗ trọ giá hợp lý cho thí sinh. Trong một số tình huống thời tiết xấu, các điểm thi còn để thí sinh ở bán trú, nội trú, phục vụ ăn uống tại trường.

Tại Điện Biên, một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, tỉ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số cao, điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn nên công tác hỗ trợ thí sinh cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Kiên -  Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết, năm 2019, tỉnh có trên 5.300 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có gần 2.500 thí sinh, chiếm trên 46,5% tổng số thí sinh chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp. Hiện công tác chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi đã được tỉnh Điện Biên thực hiện chu đáo, với chủ trương tạo điều kiện tốt, tâm thế thoải mái nhất cho học sinh, phụ huynh bước vào kỳ thi.

Các trường ĐH chịu trách nhiệm chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm: Ngày 10/6, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ chủ trì công tác chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH, nhằm hạn chế tiêu cực, gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Khác với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì chấm thi, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ chủ trì công tác chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH.

Theo daidoanket.vn
back to top