Để tăng cơ hội cho thí sinh, Bộ GD&ĐT từ năm 2017 đã đưa ra quy định không giới hạn nguyện vọng khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Năm 2017, đã có thí sinh giữ kỷ lục khi đăng ký tới 48 nguyện vọng xét tuyển.
Đến thời điểm này, các Sở GD&ĐT và các điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi đã hoàn tất việc nhập thông tin đăng ký dự thi đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Theo kết quả, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học và trường có đào tạo ngành sư phạm các trình độ trung cấp, cao đẳng giảm 5,14%.
Tổng số nguyện vọng cũng giảm 6,37% so với năm 2018. Hầu hết (90%) thí sinh chọn đăng ký tập trung trong 5 tổ hợp truyền thống gồm A00, A01, B00, C00, D01. Chỉ khoảng 10% thí sinh chọn đăng ký trong số 133 tổ hợp còn lại.
Bảng Thống kê tổng hợp số lượng NV đăng ký xét tuyển theo tổ hợp năm 2019. |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, khuyên, nếu thí sinh đã đủ thông tin để lựa chọn ngành, chỉ nên đăng ký xét tuyển từ 3-5 nguyện vọng là có cơ hội đỗ đại học ở mức cao.
Điều quan trọng không phải đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, mà là các em có hiểu được ngành học đó hay không, có thực sự yêu thích, phù hợp với năng lực của mình hay không.
Theo đánh giá của bà Phụng, hầu hết thí sinh có ý thức, trách nhiệm với nguyện vọng của mình. Các em đăng ký không chọn quá nhiều nguyện vọng, quá nhiều trường. Bình quân mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng xét tuyển.
Tuy nhiên, vẫn có một số thí ở Hà Nội chọn tới 50 nguyện vọng, dàn trải ra nhiều ngành, nhiều trường khác nhau.
Thí sinh còn một lần thay đổi nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi THPT quốc gia. Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất và đó là nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh. Do vậy, các em cần phải cân nhắc thứ tự ưu tiên khi sắp xếp các nguyện vọng cho phù hợp.