Kỳ thi này là một dịp để rèn luyện tính trung thực
Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ thi Duyên hải môn Tin học tiếp tục được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong ngày 14/8 với sự tham gia của 488 thí sinh khối 10 và 314 khối 11 đến từ 55 trường chuyên trên cả nước.
Do dịch Covid-19, đa phần các thí sinh đã ngồi tại nhà tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn Tin học khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ năm 2021. |
Điều đặc biệt, trong bối cảnh đa phần địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, năm nay, lần đầu tiên nhiều thí sinh đã phải ngồi tại nhà tham dự kỳ thi dưới sự giám sát của giáo viên qua camera và từ… chính phụ huynh.
Để đảm bảo kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, an toàn, các thầy cô đã kêu gọi sự tự giác từ chính thí sinh.
Ngay trước kỳ thi, Ban Tổ chức đã gửi cho các thí sinh một lá thư. Thư cho biết, trong tình hình dịch bệnh của cả nước, mọi kỳ thi khu vực trong năm học 2021 đều đã bị hủy bỏ. Tuy vậy nhờ sự nỗ lực của Trường THPT Chuyên Trần Phú Hải Phòng và tập thể các thầy cô chuyên Tin trong cả nước, kỳ thi Duyên Hải 2021 môn Tin học từ xa vẫn được tổ chức.
“Do làm bài ở nhà, mọi phương pháp trông thi đều dễ dàng bị ”hack”, các bạn sẽ rất dễ trao đổi, hỏi bài, search Internet. Ban Tổ Chức kêu gọi các bạn học sinh cố gắng xứng đáng là học sinh chuyên, xứng đáng với nỗ lực của các thầy cô giáo, giữ gìn danh dự và giữ vững trách nhiệm bản thân: Hãy trung thực trong khi thi”, thư viết.
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, thành viên Ban Tổ chức kỳ thi cho biết, trong quá trình thi, máy tính thí sinh không bị ngắt mạng, Ban tổ chức cũng không cấm các em nói chuyện qua mạng xã hội. Ban Tổ chức có dùng các biện pháp để giám sát các em, nhưng vẫn có những sự cố bất khả kháng, cho nên quan trọng nhất, vẫn kêu gọi ý thức của mỗi cá nhân.
Kỳ thi này là một dịp để rèn luyện tính trung thực của học sinh. Tham dự kỳ thi, các em không chỉ thi về kiến thức, mà cũng chính là một dịp để các em thử thách bản thân, vượt lên chính mình và trưởng thành.
Và không chỉ đối với học sinh, mà cũng là thử thách đối với phụ huynh. Bởi phụ huynh là người được Ban Tổ chức trao quyền giám sát thí sinh trong quá trình thi. Khi phụ huynh trung thực, thì cũng chính là dạy cho các con bài học về nhân cách, điều đó thậm chí quan trọng hơn kết quả thi thế nào.
Thầy giáo Hồ Đắc Phương, giáo viên phụ trách đội tuyển Tin, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, bài làm của thí sinh được gửi đến cho toàn bộ giáo viên để họ có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện gian lận (nếu có), mọi thắc mắc có thể gửi về Ban tổ chức kỳ thi. Quá trình thi của thí sinh cũng được quay lại và công khai trên youtube, các thí sinh có thể giám sát chéo lẫn nhau. Tất cả để đảm bảo sự minh bạch, trung thực nhất có thể.
Giữ lửa học tập, vượt lên dịch bệnh
Thầy Lê Thanh Bình chia sẻ, theo kế hoạch, kỳ thi diễn ra vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, giữa tháng 5 dịch bùng phát, kỳ thi buộc phải hoãn. Đến tận tháng 8, dịch vẫn diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức đã bàn bạc, đi đến quyết định vẫn tổ chức kỳ thi cho các em, dưới hình thức làm bài từ xa.
“Chúng tôi muốn giữ lại cho các em một sân chơi bổ ích. Các thầy cô coi đây là cơ hội để giữ lửa cho phong trào học tập của các em. Và điều đặc biệt, việc tổ chức thành công kỳ thi sẽ truyền cho các em tinh thần vượt qua khó khăn, vượt lên dịch bệnh”, thầy Bình chia sẻ.
Cái khó nhất của kỳ thi, theo Ban Tổ chức là theo dõi được học sinh trong quá trình làm bài để đảm bảo được sự trung thực, minh bạch nhất. |
Thầy Bình cho biết, tổ chức môt kỳ thi trực tuyến, với các thí sinh làm bài tại nhà là một thách thức lớn, và có rất nhiều khó khăn.
Cái khó nhất, là làm sao theo dõi được học sinh trong quá trình làm bài. Các thí sinh được chia làm 10 phòng thi trực tuyến, mỗi phòng đều có giám thị theo dõi và Ban Tổ chức có thể theo dõi được tất cả các thí sinh.
Ngoài kêu gọi sự tự giác của học sinh, Ban tổ chức cũng nhờ tới sự hỗ trợ của phụ huynh, mỗi phụ huynh cũng là một giám thị. Theo đó, các bố mẹ được giao nhiệm vụ vào ứng dụng Zoom bằng điện thoại, quay video làm sao để có thể nhìn thấy được cả màn hình và thí sinh. Việc có được sự đồng thuận của phụ huynh cũng là sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô. Bởi hoàn cảnh, điều kiện của mỗi phụ huynh khác nhau.
Trong quá trình thi, cũng có một số sự cố xảy ra như mất điện, mất mạng dẫn tới tạm dừng video… Đó là những thứ bất khả kháng. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi thành công cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức các kỳ thi trực tuyến, góp phần thúc đẩy phong trào học tập của các em.
Đặc biệt, dù ở ngay trong tâm dịch, hoc sinh ở TPHCM, ở Bình Dương, ở Đồng Nai vẫn tham gia thi được. Điều đó chứng tỏ, dù khó khăn, nhưng nếu có sự đồng lòng của các thầy cô giáo, nhà trường, phụ huynh và học sinh, chúng ta hoàn toàn có thể làm được những việc tưởng như không thể làm được.
Và việc công khai bài làm của thí sinh, hay quá trình làm bài cho thấy, kỳ thi đặt sự trung thực, nghiêm túc lên cao nhất. Sau khi công khai bài làm của thí sinh, Ban tổ chức đã nhận được báo cáo về việc có sự gian lận, giống nhau trong bài làm của thí sinh. Sau khi kiểm tra lại, bài làm của thí sinh đó đã nhận điểm 0.