<div> <p style="text-align: justify;">55 tuổi, ông Hồ Phước Thuật ở huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, vẫn quyết tâm đi học và đăng ký thi THPT quốc gia với mong muốn cập nhật kiến thức mới và thỏa nguyện vọng hoàn thành chương trình THPT.</p> <p style="text-align: justify;">Bố mất sớm, một mình mẹ làm đủ nghề nuôi 5 anh em ông Thuật. Cuộc sống khó khăn, năm lớp 9 ông phải nghỉ học theo mẹ đến khu kinh tế mới ở vùng núi huyện Khánh Vĩnh, việc học bị đứt đoạn. Mọi người trong gia đình đều học hết chương trình phổ thông, duy nhất ông chưa hoàn thành. "Khi còn sống, mẹ luôn muốn tôi lấy bằng tốt nghiệp", ông Thuật nói.</p> <p style="text-align: justify;">Gần 5 năm trước, khi con cái đã lớn và cuộc sống tạm ổn định, ông mới nghĩ đến việc đi học trở lại. Đăng ký vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện, ban ngày sau khi hoàn thành công việc của công an xã, ông lại cắp sách đi học. </p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"> <img alt="Ông" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/27/vne-thisinh-9467-1561536409.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;"> </p> <p style="text-align: justify;"> Ông Hồ Phước Thuật ôn bài môn Sử và Địa ngày 27/6. Ảnh: <em>Hồ Na</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Thoạt đầu, khi đến trung tâm, thấy mình già so với những người trong lớp nên ông hơi ngập ngừng, có phần chán nản. Lâu dần được sự động viên của bạn học, lẫn giáo viên và gia đình, ông tự tin hơn, không còn thấy khoảng cách.</p> <p style="text-align: justify;">Năm nay, ông Thuật đăng ký thi bốn môn Toán, Văn, Sử và Địa để xét tốt nghiệp. Hôm thi Văn và Toán, vào phòng thi với tâm lý căng thẳng, ông làm bài không tốt. "Nếu năm nay không đủ điểm thì năm sau tôi tiếp tục thi tới khi nào có bằng THPT", ông nói.</p> <p style="text-align: justify;">Tương tự, ông Nguyễn Văn Cư (51 tuổi) là thí sinh lớn tuổi nhất tại điểm thi trường THPT Thái Nguyên, TP Nha Trang. Nhiều thí sinh lẫn giám thị ngỡ ngàng khi thấy người đàn ông gầy gò, tóc bạc vẫn đi thi.</p> <p style="text-align: justify;">Hơn 35 năm trước, đang học lớp 11, ông Cư bị bệnh nặng nên nghỉ học. Sau đó ông đi biển, rồi nhập ngũ. Khi làm bảo vệ rừng tại huyện Khánh Vĩnh, ông được một thầy thuốc truyền nghề thuốc nam. Do bằng cấp không có nên ông không thể chữa bệnh cho nhiều người.</p> <p style="text-align: justify;">Khi các con đã lớn, vợ động viên ông đi học tiếp. Năm trước, ông Cư đăng ký học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa với mong muốn lấy được tấm bằng cấp ba. Ban ngày, ông Cư làm việc kiếm tiền, tối đi học đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu và tìm thêm sách đọc.</p> <p style="text-align: justify;"> Trong các môn thi, ông Cư ngại nhất là Toán, bởi quá nhiều công thức và số liệu. Ông đầu tư thời gian, có khi thức đến khuya chỉ để giải một bài Toán. "Mình luôn nghĩ việc học không bao giờ muộn nên cứ thế quyết tâm ôn luyện", ông nói và cho biết nếu đậu THPT sẽ thi vào trường trung cấp dược tại Khánh Hòa.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ông Thuật, ông Cư ở điểm thi huyện Khánh Vĩnh có một thí sinh 55 tuổi là ông Pi Năng Là Bê (người dân tộc Raglai - cán bộ mặt trận của xã Khánh Thượng).</p> </div>