Việc phân hạng các loại giấy phép lái xe được quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Theo đó, GPLX B1 và B2 là 02 hạng Giấy phép lái xe ô tô phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, GPLX B1 còn được chia nhỏ thành B1 và B1 số tự động.
GPLX hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe); Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg hoặc ô tô dùng cho người khuyết tật.
GPLX hạng B1 (hay còn gọi là bằng B1 số sàn/số cơ khí) cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe); Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg; Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
Ảnh minh họa |
Không chỉ khác nhau về loại xe được điều khiển,GPLX B1 và B2 còn khác nhau về thời gian đào tạo, thời hạn sử dụng.
Cụ thể: Đối với GPLX B1 số tự động, thời gian đào tạo là 476 giờ (lý thuyết: 136 giờ, thực hành: 340 giờ); GPLX B1 số sàn thời gian đào tạo là 556 giờ (lý thuyết: 136 giờ, thực hành 420 giờ).
Riêng GPLX B2, thời gian đào tạo dài hơn: 588 giờ nhưng chủ yếu dài hơn thời gian đào tạo lý thuyết. Thời gian đào tạo lý thuyết GPLX B2 là 168 giờ, thực hành lái xe vẫn giữ nguyên 420 giờ).
Về thời hạn sử dụng, các loại bằng B1 được sử dụng đến khi lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam.
Bằng B2 thì không giới hạn về độ tuổi sử dụng nhưng chỉ được dùng trong thời gian 10 năm kể từ ngày cấp. Quá thời hạn sử dụng, lái xe cần gia hạn hoặc thi lại để được cấp bằng mới.
Khi quyết định thi GPLX B1 hay B2, người thi cần căn cứ vào nhu cầu, mục đích, sức khỏe của mình để lựa chọn cho phù hợp.
Chẳng hạn, đối với người khuyết tật hay đối với phụ nữ hay những người trẻ xác định chỉ lái xe nhà, số tự động thì chỉ cần thi bằng B1 số tự động.