Thi đánh giá năng lực: Không nên đăng ký thi nhiều đợt, vì điểm sẽ giống nhau

(khoahocdoisong.vn) - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực sẽ được thiết kế để điểm thi giữa các đợt sẽ  không thay đổi, thí sinh không nên đăng ký tham gia thi nhiều đợt, rất lãng phí.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời các thắc mắc của phụ huynh và thí sinh liên quan đến kỳ thi Đánh giá năng lực. Ảnh: Mai Loan.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội trả lời các thắc mắc của phụ huynh và thí sinh liên quan đến kỳ thi Đánh giá năng lực. Ảnh: Mai Loan.

Điểm sẽ không khác biệt giữa các đợt thi

Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức mở cổng cho thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh có thể đăng ký tham dự theo nhiều đợt trong năm 2021. Đợt thí sinh bắt đầu đăng ký từ ngày 1/4 đến ngày 24/4. Đợt 2, có thời hạn đăng ký đến ngày 29/4 và đợt 3 tới ngày 22/5. Đợt thi đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9/5.

Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 vừa được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng khi không đăng ký được kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Và có nên thi nhiều đợt để tăng cơ hội đỗ đại học hay không?

Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc thí sinh không đăng ký được là do nghẽn mạng. Đợt 1, Ban tổ chức chỉ chuẩn bị 12.000 máy tính cho đợt thi, trong khi đó, lại có quá nhiều thí sinh đăng ký dự thi cho nên đã xảy ra tình trạng trên. Đến đợt 2, đợt 3, dự đoán tình hình này sẽ được cải thiện.

Về việc thí sinh có nên dự thi nhiều lần để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học hay không, ông Thảo cho biết, thông thường những thí sinh đăng ký lần đầu sẽ không được đăng ký lần 2, bởi vì sẽ phải cách 28 ngày mới được đăng ký  tiếp, nhưng có thể đăng ký được đợt 3, đợt 4…

Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực đang tiếp cận theo hướng để điểm thi giữa các đợt không thay đổi. Bởi bài thi đánh giá năng lực thiết kế theo dạng ít nhất thí sinh phải học 2 tháng thì mới hy vọng cải thiện được một phần điểm. Còn trong vòng một thời gian ngắn thì kết quả điểm thi hầu như vẫn thế. 

Trả lời câu hỏi giả sử một thí sinh không thể đăng ký tham dự được kỳ thi đánh giá năng lực này ở tất cả các đợt, do nghẽn mạng, thì Đại học Quốc gia sẽ có giải pháp nào, để tránh thiệt thòi, mất công bằng cho các thí sinh, ông Thảo cho biết, Đại học Quốc gia chỉ dành khoảng 2.500 – 3.000 chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này. Còn lại khoảng 8.000 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, còn có tuyển thẳng. Cho nên, trong trường hợp không thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực thì có thể lựa chọn các phương thức xét tuyển khác.

Với số lượng lấy 2.500 - 3.000 chỉ tiêu mà chấp nhận khoảng 12.000 thí sinh đăng ký đã là số lượng tương đối lớn. Giả sử nếu tổ chức cho khoảng 30.000 thí sinh, nhưng chỉ tiêu vẫn thế thì sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội (dù nhà tổ chức sẽ có lợi, vì thu được nhiều tiền lệ phí). Điều đó là không nên. Sang năm nếu tăng chỉ tiêu xét tuyển, sẽ tăng lượng thí sinh được đăng ký.

“Tuy nhiên, qua đợt 1, nếu như chúng tôi thấy nhu cầu cao, Đại học Quốc gia sẽ mở rộng thêm số lượng thí sinh đăng ký. Nhưng xét một cách tổng thể, vẫn phải thấy đó là lãng phí nguồn lực xã hội khi không sử dụng kết quả đó làm gì. Ngoài ra, còn phải cân nhắc yếu tố “chọi”. Khi mở rộng số lượng thí sinh đăng ký, đồng nghĩa với việc tỷ lệ “chọi” sẽ tăng”, ông Thảo nói.

Về việc có rất nhiều các trường sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, vậy Đại học Quốc gia Hà Nội có tăng số lượng kỳ thi hay không, ông Thảo cho biết, đây là một nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và thí sinh. Đứng về phía đơn vị tổ chức cũng rất muốn như vậy. Nhưng thi trên máy khác thi trên giấy, bất kỳ một sai sót nào cũng dẫn tới hậu quả vô cùng lớn. Cho nên, mục tiêu đặt ra trước hết đối với đợt 1, đợt 2 của kỳ thi phải đảm bảo an toàn, chính xác, công bằng, công tâm. Yếu tố an toàn, chính xác sẽ phải đặt lên số 1. Sau hai đợt, nếu mọi thứ ổn, sẽ mở rộng và phát triển các đợt thi.

Thí sinh biết điểm ngay sau khi làm bài

Ông Thảo cho biết, bài thi đánh giá năng lực sẽ bao gồm 150 câu hỏi với tổng thời gian làm bài là 195 phút. Trong đó, phần đánh giá tư duy định lượng có thời gian là 75 phút, dài nhất. Hai phần còn lại là tư duy định tính, khoa học tự nhiên - xã hội, thí sinh sẽ làm bài mỗi phần trong 60 phút.

Đối với phần tư duy định lượng, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về toán học, thống kê và xử lý số liệu trong chương trình 3 năm THPT (lớp 10, 11, 12). Phần tư duy định tính, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về văn học - ngôn ngữ trong chương trình THPT (từ lớp 10 đến lớp 12). Phần khoa học tự nhiên - xã hội, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về lý, hóa, sinh, sử, địa… trong chương trình lớp 11 và 12.

150 câu hỏi được chia đều cho 3 phần, và tổng điểm 150 cũng được chia đều như vậy. Với phần tư duy định lượng và khoa học tự nhiên - xã hội, hình thức câu hỏi là trắc nghiệm, gồm cả trắc nghiệm dạng chọn phương án trả lời, và trắc nghiệm dạng thí sinh tự điền đáp án. Còn phần tư duy định tính chỉ có câu hỏi trắc nghiệm dạng chọn phương án trả lời.

Ông Thảo lưu ý, trong quá trình làm bài, nếu thí sinh gặp câu hỏi khó thì nên bỏ qua, làm câu dễ trước. Sau đó, quay lại câu khó.

Khi kết thúc, hết thời gian phần 1, máy sẽ tự động chuyển sang phần thứ 2. Khi đã chuyển sang phần thứ 2, thí sinh sẽ không quay lại trở lại được phần 1. Tương tự như vậy với phần tiếp theo. Tuy nhiên, trong một phần thí sinh vẫn có thể quay trở lại trả lời các câu khó đã bỏ qua.

Khi kết thúc cả 3 phần thi, điểm số sẽ hiện lên luôn. Sau khoảng 2 tuần, có công bố điểm, thí sinh có thể kiểm tra điểm của mình và có thể in hồ sơ ra để đi nộp xét tuyển tùy theo ngưỡng điểm công bố của từng trường.

Theo Đời sống
back to top